Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Thi đua yêu nước là động lực cho sự phát triển

 

Thi đua yêu nước là động lực cho sự phát triển


Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành động lực quan trọng của sự phát triển, xây dựng con người mới, phát huy trí tuệ, tính năng động, sáng tạo của mỗi người dân, hướng vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động thi đua được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia. Tuy nhiên, có những “trái tim không cùng nhịp đập”, phớt lờ thực tế đó, ra sức xuyên tạc, phủ nhận giá trị, kết quả của các phong trào thi đua yêu nước. Trong bài “Khi lòng yêu nước bị “định hướng”, với cái nhìn định kiến, chủ quan, Đài Á Châu tự do đã cố tình phủ nhận giá trị và kết quả của các phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam khi cho rằng đó là “sáo rỗng và không hiệu quả”, “là chuyện tranh giành”… Rõ ràng đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bôi đen sự thật về thi đua yêu nước ở Việt Nam.

Thứ nhất, thi đua yêu nước là vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân.

Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể; tạo động lực, động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên và vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức, địa phương, cơ quan đơn vị vững mạnh, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Thi đua chính là động lực để phát huy lòng yêu nước và thông qua phong trào thi đua để bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước trở nên sinh động trong thực tiễn bằng chính suy nghĩ, hành động thực tiễn, cụ thể, tích cực, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Thi đua yêu nước không chỉ mang lại lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình, mà còn mang lại lợi ích cho quê hương, đất nước và mạng lại hạnh phúc cho nhân dân, chứ không phải là lợi dụng công tác thi đua để thực hiện mục đích cá nhân; là “ganh đua”, “là chuyện tranh giành” như những gì Đài Á Châu tự do và những kẻ bồi bút xuyên tạc về tính tích cực và bản chất của thi đua yêu nước ở Việt Nam.

Thi đua không chỉ giúp cho mỗi người tiến bộ, mà còn tăng cường khối đoàn kết, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cổ vũ, phát huy sức sáng tạo, lòng nhân ái, vẻ đẹp tâm hồn, tình đoàn kết, đồng thuận của con người Việt Nam trong thời đại mới, chứ không phải “không có sự đoàn kết, thống nhất nhân tâm” như những gì các phần tử xấu xuyên tạc, bôi đen. Ở Việt Nam, thi đua yêu nước là để phấn đấu vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua luôn vì nhân dân và hướng vào hạnh phúc của nhân dân, nên luôn nhận được sự hưởng ứng rộng khắp, sôi nổi của các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, các phong trào thi đua yêu nước đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam đã có sự phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước. Nội dung các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên lĩnh vực kinh tế, thông qua các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”… đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao (năm 2000 GDP bình quân đầu người Việt Nam khoảng 500 USD, đến năm 2022 là khoảng 4.200 USD)

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Lương y như từ mẫu”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”… đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32% năm 2000, xuống còn 4,3% năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều).

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong Quân đội nhân dân, “Vì an ninh Tổ quốc” trong Công an nhân dân… đã góp phần quan trọng trong giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, các phong trào thi đua đã huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới.

Phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực quan trọng của sự phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; kết quả của những phong trào thi đua là thực tế, khách quan, chứ không phải là sự “Sáo rỗng không hiệu quả” như những gì Đài Á Châu tự do xuyên tạc, bôi đen./.

Không có nhận xét nào: