Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Tự do, dân chủ của nhân dân là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám – sự thực không thể xuyên tạc

Cứ đến dịp nhân dân cả nước tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 thì các thế lực thù địch, phản động lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận thành quả của Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945; một trong những luận điệu chúng đưa ra là: Cách mạng Tháng Tám năm 1954 không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân. Đây là luận điệu hết sức hết sức lố bịch. Bởi, chúng đã phủ nhận những giá trị nhân văn, cao cả, đích thực mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho đất nước, dân tộc và nhân dân ta đó là đem lại dân chủ thực sự cho người dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến và ách đô hộ của thực dân, phát xít, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc; đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ; nhân dân ta từ thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Từ đây, nhân dân ta trở thành chủ thể của quyền lực nhà nước.

Ngay trong Tuyên ngôn thoái vị (ngày 30/8/1945) của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, đã phải thốt lên rằng: “… làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Đây là cảm nhận chân thực nhất của vua Bảo Đại lúc đó. Bởi, Ông cũng như nhiều vị vua của triều đình nhà Nguyễn đã phải nếm trải thân phận “Vua là tượng gỗ, dân làm thân trâu” của một nước nô lệ, lầm than, cơ cực, mất tự do, không có tên trên bản đồ thế giới. Và, trong Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Mặc dù quyền tự do đó chưa được trọn vẹn như chúng ta mong muốn, nhưng đó là nền tự do thực sự mà cả dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng bền bỉ đấu tranh mới giành được. Điều đáng nói là, chính kẻ thực dân trước đây đã cướp nền độc lập, tự do của đất nước ta, nhân dân ta, biến nước ta thành thuộc địa, nhân dân ta thành nô lệ của chúng, nay đã phải công nhận quyền tự do, độc lập ấy. Đó là lẽ phải không ai chối cãi được !

Từ đó đến nay, quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các bản Hiến pháp, văn bản pháp luật, mà được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân được đặt trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Thực hiện dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhà nước ta luôn tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng luật pháp của Nhà nước; được hiến định trong Hiến pháp. Không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã sớm gia nhập, ký kết nhiều công ước quốc tế về quyền con người. Cho đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết công ước quốc tế về quyền con người. Đồng thời, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước này vào hệ thống pháp luật quốc gia. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại nền tự do có thật và thật sự tự do. Nền tự do đó gắn liền với nền độc lập dân tộc và là kết quả tất yếu của độc lập dân tộc. Đó quyết không phải là nền tự do giả hiệu. Ngày nay, những giá trị lịch sử của nó vẫn tiếp tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc và thời đại. Không một mưu đồ đen tối nào, không một thế lực nào có thể phủ nhận được giá trị trường tồn, phủ nhận được nền độc lập, nền dân chủ và tự do mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại cho dân tộc và nhân dân Việt Nam./.

 

Không có nhận xét nào: