Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Vài suy ngẫm về xây dựng văn hóa công vụ từ Vụ án “chuyến bay giải cứu”

 

Từ vụ án “chuyến bay giải cứu” đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc xây dựng môi trường văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay. Nội dung bài viết đề cập đến căn bệnh “vô cảm” và nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.


Qua diễn biến các phiên xét xử, tất cả sự thật của đại án “chuyến bay giải cứu” đã được phơi bày. Những người có lương tri không muốn và không hề mong muốn có một phiên tòa như thế diễn ra. Đối diện với chúng ta là 54 bị cáo và không ai trong chúng ta muốn nhắc đến chức vụ, quyền hạn mà trước đó họ đã nắm giữ để từ đó có cơ hội lộng quyền, mà chỉ nhấn mạnh rằng, tất cả 54 con người ấy trước đây là cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC). Với chức trách được giao, họ thực sự phải là những người đầu tiên bảo vệ, giải cứu đồng bào ta trong đại dịch Covid-19. Song, sự gian nan, khốn khổ của hơn 200.000 con người ấy là ruột thịt, máu mủ của chốn “con rồng, cháu tiên” đã bị họ dùng mọi thủ đoạn để bòn rút đến những đồng tiền cuối cùng!

Vậy, mỗi người từng là những CB,CC,VC có chức trách cao trong từng cơ quan, đơn vị cụ thể họ đã chỉ đạo, nêu gương như thế nào và thực thi nhiệm vụ ra sao trong việc thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ được ban hành ngày 27/12/2018? Chúng ta không ai nghi ngờ rằng, mỗi người trong con số 54 đó đều nắm rất vững 4 nội dung của văn hóa công vụ trong Quyết định nêu trên.

Ngay trong nội dung thứ nhất về “Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức” ở tiểu tiết thứ 3 quy định rõ: “Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân”. Thật đau lòng là, những việc họ đã thực hiện trong chuyến bay giải cứu đã đi ngược lại toàn bộ những vấn đề đã được quy định ở trên.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã gửi tới Hội nghị nội dung tham luận “Xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân”. Bên cạnh việc khẳng định 04 kết quả đạt được, tham luận đã thẳng thắn chỉ ra 03 hạn chế, trong đó có: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu người dân vẫn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Việc phát hiện một số vụ việc tiêu cực chưa kịp thời, công tác xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.


Vâng, “nhũng nhiễu người dân” là cụm từ mà chúng ta đã nghe, đã thấy không dưới một lần. Sự nhũng nhiễu không chỉ gây tác hại về thời gian, sức khỏe, tiền bạc, niềm tin,… của nhân dân mà còn trực tiếp tạo ra ở một số CB,CC,VC căn bệnh rất nguy hiểm - bệnh vô cảm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho chúng ta thấy bức chân dung đầy đủ nhất của căn bệnh này trong bài thơ “Hỏi”: “Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào? -Chúng tôi tôn cao nhau/ Tôi hỏi nước: - Nước sống với nước như thế nào? -Chúng tôi làm đầy nhau/ Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với cỏ như thế nào? - Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời/ Tôi hỏi người: -Người sống với người như thế nào?/ Tôi hỏi người: -Người sống với người như thế nào?/ Tôi hỏi người: -Người sống với người như thế nào?”.

“Người” không thể trả lời được vì họ đã không thể xác định rõ mục tiêu sống như đất “tôn cao nhau”, như nước “làm đầy nhau” hay như cỏ “đan vào nhau để làm nên những chân trời”. Vì sao vậy? Chúng ta thật đau đớn khi nói rằng: câu trả lời thật dễ dàng vì họ bị bệnh vô cảm - trái tim lạnh giá, sống ích kỷ, không xúc động, lạnh lùng. Từ chính căn bệnh này, những người được trao thực hiện “chuyến bay giải cứu” “hình thành ngầm lợi ích nhóm”. Sự nguy hiểm chính là sự “bắt tay” trong bóng tối của các “quan chức mất chất” với các “doanh nghiệp trá hình” để thao túng toàn bộ hoạt động biến mục tiêu cao cả của Đảng và Nhà nước thành lợi ích nhóm. Nhiều CB,CC,VC có học thức, vị trí quyền lực cao trong hệ thống chính trị không thể cưỡng lại được ma lực của đồng tiền đã bỏ lại phía sau mình tất cả từ lời thề trước Đảng, niềm tin trước nhân dân, danh dự của bản thân,…

Văn hóa công vụ cần thiết phải loại bỏ những loại “sâu mọt” như vậy ra khỏi guồng quay chung trong bối cảnh hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất rõ ràng là: "Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm" hay "Việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[1], “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi…”[2]. “Lỗi” được ngầm hiểu ở đây không chỉ thể hiện trong công tác mà còn gắn liền với đạo lý của CB,CC,VC.

Thực chất, trong văn hóa công vụ việc hoàn thành nhiệm vụ được giao luôn song hành cùng giá trị đạo đức. Một CB,CC,VC sẽ không bao giờ hoàn thành được công việc được giao khi luôn luôn tỏ ra mình “hơn người” rồi dẫn đến thái độ kênh kiệu, thích vòi vĩnh, phớt lờ tiếng nói của nhân dân,... Do vậy, để văn hóa công vụ thực sự đạt được mục tiêu “chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân” thì CB,CC,VC cần thiết hình thành lý tưởng sống, hành động thiết thực vì mục tiêu chung để nhanh chóng thoát khỏi những ám ảnh của “chuyến bay giải cứu”!

Không có nhận xét nào: