TRỒNG NGƯỜI LÀ NGHỀ CAO QUÝ, THIÊNG LIÊNG NHẤT
Ở Việt Nam, từ ngàn đời nay, người thầy giáo và người thầy thuốc luôn được xã hội trân trọng, coi đó là nghề cao quý nhất. Một nghề để dạy người, còn một nghề để cứu người. Rất nhiều người coi thầy giáo-thầy thuốc cũng như người cha, người mẹ sinh ra mình. "Cô giáo như mẹ hiền" và "Lương y như từ mẫu". Trong xã hội phát triển, khi ai đó xưng hô, gọi người khác là thầy thì đó là hàm chứa sự trân quý, nể trọng những người đã chỉ bảo, dạy dỗ mình .
Nói đến thầy giáo, đó là thể hiện đạo hiếu, sự biết ơn sâu nặng “không thầy đố mày làm nên”. Tôn sư trọng đạo là cốt cách, là truyền thống văn hóa của dân tộc. Sự trưởng thành của một con người về cơ bản gắn với 3 thành tố gồm sức khỏe-trí tuệ-nhân cách, tương ứng với 3 môi trường là gia đình-nhà trường-xã hội. Nhà trường là người thầy đã giáo dục, trang bị cho mỗi cá nhân hành trang quan trọng nhất, vô giá nhất đó là tri thức. Nhà trường cũng là nơi giáo dục, rèn luyện, hình thành nhân cách của mỗi người. Xã hội tốt đẹp, đất nước giàu mạnh là do có những con người tốt, tài giỏi, nhân cách tốt. Những con người ấy được vun trồng nên bởi một nền giáo dục tốt, một xã hội tốt nuôi dưỡng.
Ở nước ta, ngày khai giảng năm học mới luôn là một dấu ấn khó phai mờ trong tâm thức mỗi người đi học. Đó là sự háo hức, bồi hồi khi học trò được gặp lại thầy cô, bạn bè: Háo hức bởi có những em lần đầu được cắp sách đến trường, được thầy cô đón vào lớp 1; bồi hồi bởi sẽ có những em lần cuối cùng được dự khai giảng cùng thầy cô... Và nỗi nhớ về thầy cô, mái trường, nơi có những bạn bè cùng trang lứa luôn thiêng liêng trong tiềm thức.
Đất nước đổi thay, xã hội phát triển, mức lương giáo viên từng bước có sự cải thiện nhưng chưa cao, đời sống của nhiều thầy cô, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, vất vả. Sự tác động của mặt trái trong xã hội cũng diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trong khi đó nghề giáo cũng chịu nhiều áp lực. Dù vậy, những trở ngại ấy không làm giảm nhiệt huyết của thầy cô trong sự nghiệp trồng người. Trên khắp đất nước, những bông hoa sáng đẹp-là tấm gương các thầy cô nỗ lực hết mình cho sự nghiệp trồng người-vẫn hằng ngày tỏa sáng. Vẫn đang có hàng vạn thầy cô xung phong đến những vùng khó khăn nhất để dạy chữ, truyền thụ tri thức, lòng nhiệt huyết cho các em học sinh cắp sách tới trường.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói:“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Giữ gìn sự cao quý ấy phụ thuộc lớn vào mỗi thầy cô, vào ngành giáo dục và của cả xã hội. Thầy cô tâm huyết, trọn đời cống hiến để trăm năm nối tiếp liên tục có những chuyến đò đầy đặn tri thức và đạo đức. Nhưng mỗi học sinh, gia đình, mỗi người Việt Nam cũng phải luôn thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm trong sự nghiệp chung để nghề trồng người đẹp mãi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét