TỪ “BỆNH KIÊU NGẠO CỘNG SẢN” ĐẾN “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CẦN BÀI TRỪ TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
V.I.Lênin đã để lại một tư tưởng cực kỳ quan trọng về vấn đề tự bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người viết: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Theo V.I.Lênin, đó chính là những sai lầm và bệnh kiêu ngạo cộng sản sẽ làm cho chính người cộng sản khó tránh khỏi thất bại.
Chủ nghĩa xã hội, về bản chất là một xã hội vô cùng cao đẹp, nhưng không phải mọi xã hội tốt đẹp đều tự nhiên có thể đứng vững trước những sóng gió của cả một thế giới cũ. Chủ nghĩa xã hội phải chứng minh được trên một thực tế với bản chất ưu viết ấy, chứng minh được trên thực tế đó là một xã hội đáp ứng được thực tế những đòi hỏi của một xã hội hiện đại, một xã hội có tương lai. Đây là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự kiểm nghiệm nghiêm ngặt của thực tiễn, chứ không phải trên lý thuyết.
Những yếu tố cấu thành sức mạnh, thành bản chất của chủ nghĩa xã hội phải tự nó có sức đề kháng, tự nó phải có sức mạnh bảo vệ mình và tự tạo nên sức mạnh của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cốt lõi nhất đó là Đảng Cộng sản - sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; là nền kinh tế; sự ổn định xã hội, văn hóa, quốc phòng… Sự xa rời những nguyên lý xây dựng quốc đội kiểu mới của V.I.Lênin về chế độ chính ủy, chính trị viên; sự trì trệ, giáo điều về chính sách kinh tế - xã hội, bệnh quan liêu mà V.I.Lênin đã cảnh báo; sự sai lầm trong đường lối, chính sách cải tổ,… là nguyên nhân bên trong dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Bởi những sai lầm ấy tích tụ dần dần, làm cho cơ thể xã hội chủ nghĩa yếu dần, những mầm mống ung thư xuất hiện và lớn dần, không được chạy chữa, giải phẫu kịp thời, đến một lúc quá lớn đã di căn thì sự thất bại là điều khó có thể tránh khỏi, đó còn là chủ quan sai lầm của đội ngũ cán bộ đảng viên
Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đứng trước những đòn tấn công quân sự vô sùng khắc nghiệt của đủ mọi loại kẻ thù nguy hiểm nhất: các nước đế quốc tấn công nước Nga Xôviết non trẻ sau Cách mạng Tháng Mười; chủ nghĩa phát xít chống Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai; thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam… Tất cả những đòn tấn công quân sự, vũ trang với các nước xã hội chủ nghĩa đều thất bại.
Tưởng rằng, chủ nghĩa xã hội là vô địch, không ai có thể phá vỡ nổi. Phải chăng tư tưởng chủ quan ấy đã dẫn đến tự chủ quan trong tự bảo vệ. Và cái giá quá đắt cho nó là sự tan vỡ của Liên Xô của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đòn tấn công phi quân sự, phi vũ trang của đế quốc dưới tên gọi là là chiến lược “diễn biến hòa bình”.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm mácxít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ các cơ quan, tổ chức; một bộ phận trong đội ngũ trí thức, luật sư, báo chí, văn nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng muốn thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hoá từ chế độ xã hội chủ nghĩa sang chế độ tư bản chủ nghĩa.
“Bệnh kiêu ngạo cộng sản” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những căn bệnh cố hữu có nguồn gốc từ người đảng viên, nó có thể bộc lộ bất cứ ở đâu. Vì vậy, cần phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, người đảng viên phải lắng nghe và giúp đỡ nhân dân, thực hiện “thắng không kiêu, bại không nản”, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét