BÀI HỌC VỀ SỰ TRUNG THỰC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Những cán bộ, đảng viên không trung thực, nhất là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật và kỷ luật Đảng. Đó thực sự là những bài học sâu sắc về sự trung thực của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, biểu hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật Đảng.
Tại Kỳ họp thứ 31 diễn ra ngày 16 và 17/8/2023, UBKT Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Theo kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.
Tiếp đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Chính trị, ngày 2/10 vừa qua, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật với hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ.
Ông Lê Đức Thọ không phải là cán bộ đầu tiên bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.
Trước đó, cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số cán bộ, đảng viên trong Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Trong số các cán bộ, đảng viên này có một số người sau đó đã bị khởi tố, khai trừ ra khỏi Đảng.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, chỉ tính trong giai đoạn từ 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, đã có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập. Trong đó, 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Những người này bị kỷ luật bằng các hình thức như xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân, một bệnh rất nguy hiểm”. Theo Bác, một trong những phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng là trung thực. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào thì phẩm chất trung thực cũng rất quan trọng và tối cần thiết. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là tính trung thực có ý nghĩa to lớn đối với uy tín và sự phát triển của cách mạng.
Hiện nay, việc thực hiện không trung thực kê khai tài sản của một số cán bộ, đảng viên là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của Đảng.
Cụ thể, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai tài sản được quy định rõ trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo quy định, cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân. Điều 33, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nêu rõ:
“Điều 33. Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập:
1. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này.
2. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập”.
Cùng với đó, việc “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực” cũng là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, được nêu rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Đồng thời, cũng vi phạm Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.
Thực tế, những cán bộ, đảng viên không trung thực nói chung, “kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định” nói riêng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật và kỷ luật Đảng. Đó thực sự là những bài học sâu sắc về sự trung thực của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, biểu hiện rõ tính chất nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật Đảng.
Trước yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện nêu gương trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Qua đó, thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trách nhiệm trước Nhân dân; đồng thời, cũng chứng tỏ sự minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc tài sản, sự trong sạch của bản thân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và Ủy ban Kiểm tra các cấp tại các tổ chức đảng cần tăng cường các giải pháp, biện pháp phù hợp để kiểm soát, xác thực kê khai, cũng như việc giảm bớt phức tạp, phiền hà cho người kê khai tài sản theo quy định. Về lâu dài, cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong khâu xác minh và tăng các biện pháp xử lý đủ mạnh, để răn đe đối với những cá nhân không trung thực trong việc kê khai tài sản; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có tài sản liên quan đến các hành vi tiêu cực như tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ... Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét