Cảnh giác với luận điệu “tách Đảng làm đôi”
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch rất quan tâm đến việc chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền, kích động, kêu gọi tán dương, cổ xúy cho quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Mục tiêu của những luận điệu hô hào, cổ xúy đòi "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" không gì khác là hạ thấp và đi tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam, bằng những lời lẽ hết sức mị dân. Họ cho rằng chỉ có thực hiện chế độ “đa nguyên, đa đảng” thì “xã hội Việt Nam mới nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo”; chỉ có "đa nguyên, đa đảng" thì xã hội mới có dân chủ thực sự... Thực chất của luận điểm trên là muốn gây ra những khó khăn trong quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là làm cho chính trị-xã hội không ổn định, kinh tế suy giảm, văn hóa xuống cấp, các mâu thuẫn và xung đột xã hội nảy sinh và ngày càng gia tăng, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể thấy, các luận điệu trên đã cũ rích, được nhai đi, nhai lại trước mỗi kỳ Đại hội của Đảng ta. Cùng với những điệp khúc trên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị “sáng tạo” thêm luận điệu mới, mong “Đảng Cộng sản dân chủ hóa, thậm chí đa đảng” hay “có những giải pháp tạm thời để đẩy mạnh dân chủ hóa là Đảng Cộng sản cầm quyền có thể tính tới việc tự tách đôi”. Chúng lập luận kiểu lừa bịp, mị dân rằng "nên tách đôi đảng có hai quan điểm khác nhau: Một quan điểm cấp tiến, một quan điểm muốn giữ mãi chủ nghĩa Mac-Lenin rồi tư tưởng Hồ Chí Minh...”. Chúng cho rằng, "một quan điểm khác kiểu như là dân chủ xã hội kiểu phương Tây chẳng hạn, cứ tách đôi ra và có những nguyên tắc ban đầu để họ tránh những cái gọi là xung đột quá mức mà đến mức độ có thể xảy ra chính biến”…
Những luận điệu trên mang nặng tính chất mị dân, rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người nhận thức có phần còn hạn chế, từ đó có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, có thể dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và có thể đi đến mất dần niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực hiện chế độ nhất nguyên chính trị, một Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo xã hội Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sự lựa chọn đúng đắn của chính nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một hiện tượng hoàn toàn hợp quy luật, phản ánh những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đã chín muồi trong quá trình vận động của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản ngay từ khi ra đời và đến nay đã lựa chọn nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng tổ chức và chỉ đạo hoạt động của mình. Mặc dù trong mỗi tổ chức và trong từng thời kỳ khác nhau, nội dung chi tiết của nguyên tắc tập trung dân chủ có sự điều chỉnh nhất định nhưng bản chất và nội dung cơ bản của nguyên tắc thì không bao giờ thay đổi. Tập trung là thống nhất về tư tưởng, tổ chức, hành động, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung”. Dân chủ trong Đảng tức là mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề: “Phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng đều do quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành”. “Các cơ quan lãnh đạo đều do quần chúng đảng viên bầu cử ra”. Bởi vậy, quyền lực của các cơ quan lãnh đạo đó cũng là do đảng viên giao phó cho, chứ không tự ai tranh giành được.
Học tập là làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm gần đây đã có những bước tiến mới, đạt được kết quả hết sức quan trọng. Bản lĩnh, trình độ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng lên. Công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từng bước được đổi mới và đạt được kết quả bước đầu. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện quyết liệt. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đổi mới, sắp xếp tinh gọn hơn; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền ngày càng cao. Kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật Nhà nước được đề cao. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả quan trọng; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những kết quả trên góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường hơn.
Có thể nói các thế lực thù địch càng chống phá quyết liệt với những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc hơn. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét