Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Không thể phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị

 

Không thể phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị


Xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị – xã hội có vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với tâm địa thâm thù chống phá cách mạng đến cùng, Đào Tăng Dực đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị thông qua bài viết “Mặt Trận Tổ Quốc: tuồng lường gạt nhân dân qua điều 9 Hiến pháp” đăng trên “Doithoaionline. com”.

Phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị là sự “thất bại” của Đào Tăng Dực và các thế lực thù địch trong chống phá cách mạng Việt Nam. Kêu gọi xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thủ đoạn quen thuộc, cũ rích của Đào Tăng Dực và các thế lực thù địch, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, hướng lái Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, Đào Tăng Dực và các thế lực thù địch càng cuồng vọng kêu gào, phủ nhận… thì chúng lại càng chuốc lấy sự cay đắng, thất bại, vì rằng: Uy tín và vị thế của Đảng Cộng sản Vệt Nam ngày càng được nâng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và giữ vững hơn. Vì thế, Đào Tăng Dực đã cố gắng loay hoay chuyển hướng sang phủ nhận vai trò, đòi xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị hiện nay. Đào Tăng Dực đã hồ đồ quy kết rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “thay vì đại diện cho xã hội dân sự, thì họ lại phản bội nhân dân bằng cách chọn lọc ứng cử viên toàn là đảng viên hầu chế độ đảng cử dân bầu”; là “tay sai đắc lực của Đảng, … củng cố sự lãnh đạo toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”;  “tác nhân của nguyên tắc phản dân chủ”. Từ đó, Đào Tăng Dực “kêu gào” đòi “xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cần đấu tranh loại bỏ.

Cần khẳng định, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải tự Mặt trận đặt ra mà do chính nhân dân và lịch sử thừa nhận. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận, thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay luôn có sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 gắn liền với sự nghiệp của Mặt trận Việt Minh. Thành tích của Mặt trận Việt Minh chính là sự kế tục sự nghiệp cách mạng đã được chuẩn bị từ trước của Hội Phản đế đồng minh (1930-1936) và của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Tiếp theo Mặt trận Việt Minh là Mặt trận Liên Việt đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Kế tục Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời đã đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thành tích đó của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ được chính nhân dân và lịch sử ghi nhận.

Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ được khẳng định bởi sự ghi nhận của nhân dân, trong đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn được thể chế hóa trong Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, trong nhiều Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam (Văn kiện Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Nghị quyết Trung ương 7, khoá IX) đều khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng. Thể chế hoá các quan điểm của Đảng, Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều văn bản pháp luật liên quan khác đã quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta.

Vai trò và tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị đã được khẳng định trong thực tế. Thông qua nhiều hình thức tổ chức và vận động quần chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần cùng với Đảng, Nhà nước giải quyết những khó khăn, bức xúc, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Song quần chúng nhân dân cần phải được tập hợp lại, đoàn kết lại và dẫn dắt bởi các tổ chức phù hợp để họ được bồi dưỡng, phát triển và cống hiến, vì lợi ích của chính bản thân họ và của cách mạng. Vì vậy, khẳng định sự ra đời, tồn tại, phát triển và vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cách mạng nước ta là tất yếu khách quan mà không thế lực nào có thể phủ nhận và bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: