NHẬN DIỆN THỦ ĐOẠN PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hiện nay với chiến lược “diễn biến hòa bình”, mục tiêu nhất quán của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hướng lái Việt Nam phát triển đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Để thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch xác định phá hoại tư tưởng là đột phá khẩu, là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất, trong đó hướng trọng điểm là tập trung công kích, phủ nhận, làm mất uy tín tiến tới lật đổ và loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và xã hội. Hệ thống quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào vấn đề sau:
Ở góc độ lịch sử, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị tập trung xuyên tạc, phủ nhận lịch sử và thành quả đấu tranh cách mạng vẻ vang của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng quy chụp Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ và dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để độc quyền lãnh đạo đất nước. Chúng viện dẫn phiến diện và xuyên tạc thực tiễn lịch sử để cố chứng minh chế độ một đảng lãnh đạo là “sai lầm”, rằng nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam trên chính trường thì dân tộc ta không phải tiến hành mấy cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương như thế; và rằng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không “tiếm quyền” thì Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các nước phát triển từ lâu.
Ở góc độ thực tiễn, chúng cường điệu một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất là một số hiện tượng đơn lẻ, biến nó thành phổ biến, tất yếu của chế độ một đảng lãnh đạo, rồi quy kết vào cái gọi là “lỗi hệ thống” - ám chỉ hệ thống chính trị do một đảng lãnh đạo; đổ lỗi cho Đảng ta về sự tụt hậu kinh tế so với những nước láng giềng như “tập trung nỗ lực vào vấn đề chính trị, thay vì vấn đề kinh tế”, “sợ hao mòn quyền kiểm soát về chính trị và kinh tế của Đảng”.
Sử dụng triệt để những chiêu bài “dân chủ”, “đa nguyên” để cổ vũ sự bất đồng ý kiến về quan điểm trong Đảng, rồi lợi dụng sự bất đồng đó để chia rẽ Đảng thành những phe phái đối lập; các thế lực chống cộng tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đặc biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ; mà theo chúng “hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới đã từ bỏ, vì thế thực chất, sự tập trung quyền lực bao giờ cũng đưa tới chỗ triệt tiêu dân chủ. Dân chủ nhiều nhất, chỉ trở thành đồ rởm, chỉ có tác dụng trang trí cho sự tập trung quyền lực”. Chúng xuyên tạc rằng nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay đã lỗi thời, thực hiện tập trung dân chủ sẽ dẫn tới mất dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng rơi vào quân phiệt, độc đoán, độc tài; ra sức tán dương và khuyến khích thực hiện dân chủ, tự do, dân chủ cực đoan, trong đảng nên có nhiều phe nhóm đối lập, để bàn bạc, tranh luận, đấu tranh.
Chúng tập trung ve vãn, tâng bốc, lôi kéo, mời chào, tặng cho đủ thứ danh hiệu mỹ miều những kẻ phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cơ hội, hữu khuynh, xét lại, những hành động chống Đảng, chống chế độ. Còn những người đảng viên chân chính thì bị nhạo báng, chế giễu là bảo thủ, cứng nhắc, là giáo điều, nịnh hót. Từ đó, chúng đối lập những người lãnh đạo Đảng với đông đảo đảng viên, chia rẽ lớp đảng viên này với lớp đảng viên khác, mưu toan gây ra mâu thuẫn nội bộ.
Các thế lực thù địch đưa ra luận điệu độc đảng là độc tài, độc đoán, là thủ tiêu dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển đất nước; là một Đảng được tổ chức theo mô hình phát xít, mắc bệnh sùng bái với quá khứ. Chúng kêu gọi: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam cho mình cái quyền đứng trên dân tộc, cái đó không ai chịu chấp nhận”; rằng “độc tài, đảng trị là cái gốc sai lầm của nhà cầm quyền Việt Nam hiện đại”; rằng “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”...
Từ đó, chúng tung ra luận thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tốt hơn chế độ một đảng lãnh đạo”, cố chứng minh “chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo là đối lập với dân chủ, đồng nhất với độc tài, cản trở sự phát triển”, còn “đa nguyên, đa đảng sẽ khơi dậy sự sáng tạo của toàn dân, tốt hơn cho sự phát triển của xã hội”. Chúng yêu cầu Đảng tự nguyện rời bỏ vai trò lãnh đạo, vì theo chúng: “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn trong xây dựng kinh tế thì nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác”.
Gần đây, các loại đối tượng chống đối chính trị còn triệt để lợi dụng các sự kiện pháp lý quan trọng như sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; thảo luận, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trên các lĩnh vực để tập trung tuyên truyền các luận điệu chính trị phản động nhằm bác bỏ “tính chính danh”, “tính hợp pháp, hợp hiến” và “tính chính đáng” về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội. Thông qua đó, chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp và các điều khoản khác liên quan; hướng lái hệ thống pháp luật rập khuôn, máy móc với mô hình chính trị nước ngoài, xa lạ với thực tiễn Việt Nam. Khi không đạt được mục đích, chúng lại quay sang luận điệu cũ rích và lạc hậu “con đường thứ ba” để tác động chuyển hóa mô hình chính trị và pháp luật nước ta.
Hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và xã hội được các thế lực chống cộng và cơ hội chính trị ráo riết tiến hành và ngày càng trở nên nguy hiểm, hậu quả khó lường. Đây là một trong những nhân tố có thể tạo ra nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam, nếu không kiên quyết đấu tranh ngăn chặn. Đây cũng là trách nhiệm của mọi người Việt Nam đều phải chung vai gánh vác cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiếp tục đi lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét