Chiêu trò xuyên tạc của Vũ Hải Lê về lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội khóa XV
Gần đây, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khóa XV họp lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định. Thế nhưng một số trang mạng xã hội như: Doithoaionlile, baotiengdan, Viettan, RFA… thi nhau phát tán tin bài xuyên tạc sự kiện này. Trong đó bài viết “Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội: “Hư chiêu” này phục vụ “thực chiêu” nào?” của Vũ Hải Lê trên trang “Doithoaionline” là một điển hình. Y cho rằng, “Mấy ngày qua truyền thông và tuyên giáo của Đảng tụng ca việc Quốc hội khoá XV công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn, trên cơ sở ba mức đánh giá…”, Y ám chỉ rằng: “đây là trò chơi quyền lực vừa khôi hài, vừa nhạt nhẽo và lố bịch không hơn không kém…” và quy kết: Đảng luôn hô hào dân chủ, nhưng trong Đảng không hề có dân chủ; rằng những màn lấy phiếu tín nhiệm suốt 10 năm qua, chỉ nhằm phục vụ cho các cuộc tranh giành quyền lực của các phe nhóm…
Cần khẳng định rằng: đây là luận điệu sai trái, phản động, của Vũ Hải Lê – một kẻ lưu vong, phản động, với mưu đồ thâm độc, lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội Khóa XV, nhằm xuyên tạc Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam.
1. Thực tế ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, các quy định lấy phiếu tín nhiệm được đặt ra để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Ở Việt Nam, mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm là để vừa nâng cao chất lượng, hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, vừa là trách nhiệm của Quốc hội trước sự ủy quyền của nhân dân. Qua đó, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Điều quan trọng hơn, lấy phiếu tín nhiệm còn là sự ghi nhận đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, để những cán bộ có nhiều số phiếu tín nhiệm thấp phải soi lại mình, nỗ lực hơn nữa để khắc phục hạn chế, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách, xứng đáng với niềm tin của đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, áp dụng những quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm không chỉ khiến việc lấy phiếu trở nên nghiêm túc, chặt chẽ hơn, mà còn tạo thêm điểm sáng mới, đó là thúc đẩy những tiến bộ về thực hiện trách nhiệm giải trình, giám sát và thực hành dân chủ. Theo đó, các chức danh quyền lực nhà nước sẽ không còn chỉ “có lên mà không có xuống” như trước đây, mà thực sự đã có những người tự xin rút lui khỏi những vị trí mà mình chưa đủ uy tín, năng lực để làm tốt. Vì thế, một cách khách quan và công tâm, lấy phiếu tín nhiệm chính là một minh chứng mới về sự phát triển chính trị ở nước ta theo hướng dân chủ, minh bạch hóa, phát huy trách nhiệm của đại biểu, của Quốc hội và cả dư luận xã hội về chất lượng hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong thời gian tới, những quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm sẽ có những tác động tích cực nhiều hơn đến đời sống chính trị ở nước ta. Trước hết, vị thế của Quốc hội sẽ được nâng cao hơn, Quốc hội không chỉ phê chuẩn, mà còn giám sát thường xuyên, bảo đảm tính chính danh cho các chức danh hay các quyết sách của quốc gia – đây là một bước tiến bộ so với trước đây. Thứ hai, các quy định mới về phiếu tín nhiệm cũng giúp gia tăng quyền lực, trách nhiệm và chủ động cho các địa phương; quyền lực Trung ương sẽ linh hoạt, cân bằng hơn trong quan hệ với các địa phương, trong phân bổ các cơ hội và nguồn lực, trong phân quyền, phân cấp, phân trách nhiệm cho chính quyền các cấp.
2. Dư luận quốc tế và nhân dân ta đều khẳng định quy định mới về sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở Việt Nam là một bước tiến đáng kể trong thực hành dân chủ, phát triển xã hội. Tỷ lệ phiếu tín nhiệm trở thành một căn cứ quan trọng để hiện thực hóa quan điểm “cán bộ có vào, có ra; có lên, có xuống” chứ không phải “chỉ có lên mà không có xuống”. Điều đó đã được nêu ra tại nhiều diễn đàn khi thảo luận các quy định liên quan đến thực hành dân chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, với những luận điệu lạc lõng, suy diễn sai lệch của Vũ Hải Lê, chúng ta cần đề cao cảnh giác, luôn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tin tưởng vào Quốc hội, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, để lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội trở thành một xu hướng không thể đảo ngược của nền chính trị ở Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét