Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

David Hutt và BBC lại xuyên tạc chống tham nhũng bằng ảo tưởng về chiến dịch “đánh tư sản”?

 

Dù đã bước sang thế kỷ 21, các nhà chống cộng cờ vàng và các hãng thông tấn nước ngoài bắt tay với họ vẫn còn mang não trạng thời Chiến Tranh Lạnh khi bình luận về chính trị Việt Nam. Đó là một trong những lý do khiến họ không nắm bắt được hiện thực đang diễn ra ở Việt Nam, và liên tục phạm sai lầm trong những cố gắng kích động, phá hoại chế độ.

Để thấy rõ cái nhìn phi thực tế của họ, ta hãy nhìn vào một bài báo do David Hutt viết, mang tựa đề “Chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú trọng nhằm hạn chế khu vực tư nhân”, được đăng hôm 03/11/2023 trên BBC tiếng Việt. Trong bài này, Hutt bình luận rằng trong thời gian cầm quyền trước đây, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã muốn “kiểm soát” các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, để họ không đe doạ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để làm điều này, ông Dũng chủ trương “bắt tay”, chia sẻ quyền lực với tư nhân, qua những biểu hiện cụ thể như cho phép Đảng viên kinh doanh hoặc cho phép doanh nhân gia nhập Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, những giải pháp này lại khiến tham nhũng gia tăng, và khiến khu vực tư nhân có quyền lực quá lớn, từ đó đe doạ thể chế hiện tại ở Việt Nam. Vì vậy chiến dịch chống tham nhũng trong khu vực tư nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với những biểu hiện cụ thể như vụ bắt Trịnh Văn Quyết năm 2022, có thể được ví với những chiến dịch “đánh tư sản” vào thời bao cấp. Sau khi được đăng tải, bài viết của Hutt đã tạo nên một làn sóng các bài ăn theo có thông điệp tương tự, tiêu biểu những lời hô hoán của Việt Tân rằng vụ tước giấy phép kinh doanh của nhà xe Thành Bưởi là một vụ “đánh tư sản miền Nam”. Khi truyền đến Việt Tân, thì những bài viết kiểu này đã mang màu sắc của một cơn hoang tưởng, lên đồng chính trị, nghe rất hợp tai những thành phần cờ vàng lạc lõng ở hải ngoại nhưng lại không ăn nhập vì với tình hình trong nước.

Để thuyết phục người đọc tin vào góc nhìn chiến tranh lạnh của mình, David Hutt đã dùng đến một loạt những lập luận lòng vòng không kèm theo bằng chứng. Chẳng hạn, có đoạn Hutt viết: “Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ triệu phú mới cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản vẫn kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống chính trị. Khu vực tư nhân, được thúc đẩy từ sự giàu có của mình, đã đố kỵ, muốn có tiếng nói trong việc điều hành đất nước. Nhưng điều này mang đến sự đe dọa cho Đảng Cộng sản.”

Dựa vào đâu mà Hutt viết thế? Trong các doanh nhân bị chiến dịch chống tham nhũng nhắm đến, có ai từng tỏ ra “muốn có tiếng nói trong việc điều hành đất nước” hay không? Hay trước sau như một, họ chỉ thuần tuý theo đuổi lòng tham kinh tế, và không từ thủ đoạn để đạt được điều này? Thật đáng ngạc nhiên, khi Hutt đánh đồng những kẻ nhiều lần lừa đảo, làm giá, thao túng thị trường chứng khoán như Trịnh Văn Quyết với kiểu người “muốn có tiếng nói trong việc điều hành đất nước”, qua đó xếp Quyết ngang hàng với các nhà chống cộng.

Trong thực tế, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Việt Nam hạn chế quyền của khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mô hình kinh tế thị trường, và quyền của khu vực kinh tế tư nhân được hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ. Quyền này cũng được khẳng định lại trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết ngày một nhiều với các quốc gia khác. Khi pháp luật Việt Nam bảo vệ thay vì hạn chế quyền của khu vực kinh tế tư nhân, thì việc kết tội Việt Nam “đánh tư sản” là dở hơi, phi lý.

Trong khi David Hutt vu cáo, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được đề cập đến trong vô số văn kiện của Đảng. Chẳng hạn, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6-2017), đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Về số liệu thực tiễn, với khoảng 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2023, kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, một phần ba thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước. Khi cả chính sách của Đảng Cộng sản, pháp luật của nhà nước, các thoả thuận mà Việt Nam ký với quốc tế lẫn sinh hoạt kinh tế trong thực tế của người dân đều cho thấy chính phủ Việt Nam tôn trọng kinh tế tư nhân và khuyến khích khu vực này phát triển, thì David Hutt dựa vào gì để khẳng định điều ngược lại, trừ định kiến của bản thân ông ta và các nhà chống cộng cờ vàng? Quả vậy, bài viết của Hutt không cung cấp số liệu thực tế, cũng không trích dẫn văn bản pháp luật, văn kiện Đảng hay lời phát biểu của quan chức Việt Nam về kinh tế tư nhân, cứ như thể Hutt tự cho mình cái quyền nói thay cho cả nước Việt Nam vậy.

Tiếp nữa, cần phải nhắc Hutt rằng việc chống tham nhũng trong khu vực tư nhân không phải là vi phạm quyền của người kinh doanh tư nhân. Thay vào đó, những người bị bắt đều phạm luật và qua đó xâm phạm đến quyền của những người kinh doanh tư nhân khác. Dùng từ “chống tham nhũng” để gọi chiến dịch này là đúng, vì các sai phạm lớn trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam thường liên đới đến sai phạm của các quan chức thuộc lĩnh vực hoặc địa phương liên quan. Chẳng hạn, khi bình luận về vụ Trịnh Văn Quyết tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (gấp gần 3.000 lần), để phát hành 430 triệu cổ phiếu, lừa đảo chiếm đoạt trên 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư, luật sư Bùi Phan Anh thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã cho rằng Trung tâm Lưu ký Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Xử lý những trường hợp như Trịnh Văn Quyết còn là điều cần thiết để bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản tại Việt Nam bị xẹp dần trước khi nổ lớn và gây khủng hoảng. Dù vậy, David Hutt nhất định không để mắt đến sai phạm của Trịnh Văn Quyết, chỉ nhảy vào bênh Quyết vì ông ta thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Đây là lối đưa tin quy chụp, sẵn sàng chính trị hoá mọi thứ để bóp méo bản chất vấn đề, nhằm phục vụ mục đích của bè phái mình. Và khi hùa theo những lời quy chụp mà Hutt đưa ra, giới chống cộng đã đặt tham vọng quyền lực của họ lên trên sự thật và lợi ích thiết thân của người dân trong nước./.

Không có nhận xét nào: