Giải pháp bảo đảm về điều kiện, môi trường làm việc nhằm chống chủ nghĩa cá nhân
Trước tiên, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Bởi, kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống được bảo đảm, nguồn vốn tích lũy không ngừng tăng cao là điều kiện thuận lợi để hạn chế sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân hiệu quả. Để huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Thứ hai, xây dựng và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, đả#ng viên. Các chuẩn mực và quy tắc ứng xử công vụ cần được xây dựng theo hướng hài hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, tăng cường tính công tâm và thanh liêm trong giải quyết công vụ; đồng thời, xây dựng quy định về xử lý kỷ luật. Các quy tắc đạo đức phải hướng vào điều chỉnh việc nhận quà biếu, cấm hối lộ và các hình thức lạm dụng công quyền để thu vén lợi ích cá nhân.
Thứ ba, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, rèn luyện và phấn đấu. Xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Kịp thời ngăn chặn thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhất là trên không gian mạng. Tăng cường quản lý và định hướng thông tin, kịp thời ngăn chặn thông tin xấu, độc, thông tin cổ xúy lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân trên không gian mạng.
Thứ tư, phải “có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với nhân dân”(32).
1- Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Xây dựng chế độ giám sát quyền lực thông qua các hình thức: chế độ giám sát của Hội đồng nhân dân, chế độ giám sát trong nội bộ Đảng, chế độ giám sát trong bộ máy nhà nước; có cơ chế khuyến khích người phát hiện và tố giác hành vi, biểu hiện chủ nghĩa cá nhân bằng việc mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân.
2- Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường và nâng cao hiệu quả việc lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Nâng cao chất lượng công tác đánh giá đúng, chính xác chất lượng cán bộ để biết đâu là cán bộ tốt, đâu là cán bộ yếu kém, vi phạm để sàng lọc; nếu vi phạm nghiêm trọng thì loại bỏ. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”.
3- Xây dựng chế tài đủ mạnh đối với hành vi cố ý “không làm” của các cơ quan công quyền, của đội ngũ cán bộ, đảng viên có quyền quyết định chính sách khi họ có đủ thông tin về một chính sách có lợi cho đất nước, cho nhân dân, nhưng cố tình trì hoãn hoặc không quyết định vì mục đích vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét