Tham nhũng và tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ gây nguy hại cho đất nước, lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Với nhận thức đó, Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị (Quy định 114) ra đời thay thế Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị (Quy định 205) góp phần siết chặt hơn nữa công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Điểm mới dễ nhận thấy đầu tiên ngay ở tên gọi của Quy định 114: “kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” thay vì trước đây Quy định 205 mới chỉ “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đối với nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ngoài 8 hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền tại Quy định 205, Quy định 114 đã chỉ ra những hành vi mới: “Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”; “Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định”; “Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thoả hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý”. Đối với nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định 114 cũng cơ bản kế thừa 6 hành vi đã được chỉ ra trong Quy định 205, đồng thời bổ sung hành vi mới: “Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi”. Quy định 114 còn bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực mới: “Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý”; “Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ”; “Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực”; “Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ”. So với Quy định 205, trong Quy định 114 đã chỉ rõ hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Có thể thấy, chưa khi nào quy định của Đảng có những điểm mới như quy định lần này.
Thế nhưng, trong một bài viết mang tên: “Bàn về quy định chống chạy chức, chạy quyền” đăng trên mạng xã hội, ông Nguyễn Đình Cống lại cho rằng: “Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam phạm phải một số điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ, làm cho một số kẻ cơ hội lợi dụng để “chạy chức, chạy quyền”, nhằm trục lợi. Việc đó làm suy yếu vai trò của Đảng, làm giảm sút lòng tin của dân. Trước tình hình đó, lãnh đạo đảng lúng túng trong việc làm trong sạch tổ chức để lấy lại lòng tin”. Đây là một sự suy diễn cực đoan, cố tình quy chụp làm sai lệch quan điểm, chủ trương, ý nghĩa, mục đích của những nội dung trong quy định của Đảng, nhà nước Việt Nam về công tác cán bộ và chống tham nhũng, tiêu cực. Cần khẳng định rõ để ông Nguyễn Đình Cống biết, không có việc “lãnh đạo đảng lúng túng trong việc làm trong sạch tổ chức để lấy lại lòng tin” như ông rêu rao, bởi mọi người dân đều đã thấy rõ “chạy chức, chạy quyền” là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ. Chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là hai nhiệm vụ song song. Có thể khẳng định, tham nhũng gắn với bản chất của con người, gắn với quyền lực và ở đâu, thể chế nào cũng có tham nhũng. Bản chất xoay quanh câu chuyện tham nhũng là câu chuyện quyền lực, nên cần phải kiểm soát quyền lực. Quy định 114 ra đời với mục đích như vậy. Về việc ông Nguyễn Đình Cống cho rằng: “Thực ra, chỉ cần thực hiện nền dân chủ với tam quyền phân lập thì không cần nhốt gì cả, không cần chống gì cả”, hay nói một cách khác là “chỉ có phân chia quyền lực nhà nước theo “tam quyền phân lập” thì mới kiểm soát được quyền lực, mới ngăn chặn được tham nhũng” thì rõ ràng là ông đang cố tình suy diễn sai lệch để hướng lái dư luận theo chủ ý cá nhân cơ hội chính trị của ông. Cần khẳng định rằng đòi “tam quyền phân lập” chính là sự đánh tráo giá trị. Thật vậy, “Tam quyền phân lập” với tư cách là một học thuyết là sản phẩm của nền dân chủ phương Tây. Có thể xem, học thuyết phân quyền có giá trị về chính trị-kỹ thuật pháp lý trong tổ chức quyền lực nhà nước. Bởi theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không được tập trung vào một người hay một cơ quan mà được cấu thành từ 3 quyền cơ bản: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba quyền được giao cho 3 cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập tương đối với nhau. Giữa 3 quyền này có sự kiểm soát, thậm chí có sự kiềm chế, đối trọng lẫn nhau. Hiện nay, các nước vận dụng học thuyết này hết sức đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Cũng phân chia quyền lực nhà nước thành lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng nhiệm vụ và quyền hạn cũng như cách thức tổ chức mỗi quyền thì ở từng nước quy định rất khác nhau. Có nước giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp không có sự độc lập đối trọng chế ước lẫn nhau (như nước Anh) mà dựa vào phe đối lập thiểu số trong nghị viện. Có nước, giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp lại độc lập, kiềm chế và đối trọng một cách cứng rắn (như nước Mỹ); có nước, kiềm chế đối trọng một cách mềm dẻo giữa các quyền (như ở Đức). Vì thế, không thể nói đơn giản rằng phân quyền theo mô hình của nước này thì tốt, còn theo mô hình của nước kia thì không tốt, theo mô hình này thì dân chủ, theo mô hình kia thì không có dân chủ. Trên thế giới tuyệt nhiên không có sự sao chép, rập khuôn máy móc mô hình tổ chức nhà nước của nước này cho nước kia. Những đòi hỏi cho rằng, tổ chức quyền lực nhà nước của nước này phải giống nước kia mới có dân chủ và quyền con người chỉ là sự nhầm tưởng của một số người. Tại Việt Nam, mô hình tổ chức nhà nước của chúng ta không thực hiện “tam quyền phân lập” mà theo Hiến pháp 2013 thì “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Những minh chứng trên thực tế đã cho thấy mặc dù không thực hiện “tam quyền phân lập” nhưng việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng có kết quả tích cực, các giá trị về dân chủ, quyền con người được Nhà nước ta thực hiện tốt, phù hợp với trình độ phát triển, được quốc tế công nhận.
Ông Nguyễn Đình Cống từng được Đảng, Nhà nước cho đi đào tạo ở nước ngoài trong khi cả nước phải gồng mình chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước; từng là giáo sư, tiến sĩ ngành xây dựng, thế nhưng khi bước qua tuổi “bát tuần” ông ta lại trở cờ, bỏ Đảng. Trong mấy năm gần đây ông này liên tục cho ra đời những bài viết nhân danh “phản biện” để xuyên tạc, công kích đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Ông ta đăng bài viết trên trang mạng xã hội với cái tit: “Phản biện quy định nêu gương” để cố tình bóp méo, xuyên tạc rằng: “Người ta cho rằng do một số người thoái hoá biến chất. Đó chỉ là sự vuốt đuôi. Thực ra nguyên nhân cơ bản là đường lối của Đảng cộng sản, dựa vào chủ nghĩa Mác – Lê, là sự độc đoán, chuyên quyền và dân chủ giả hiệu”. Ông ta còn xỏ xiên khi trả lời phỏng vấn của RFA ngày 14/01/2022 rằng: Nếu cán bộ lãnh đạo do Đảng lựa chọn thì rất khó có được cán bộ giỏi, dù cho là bằng bầu cử hay thi tuyển, vì tiêu chuẩn số một là lòng trung thành với Đảng, với Mác – Lênin. Những người giỏi chân chính thường không có lòng trung thành ấy lại hay có ý kiến phản biện, nên họ đã bị loại ngay từ vòng đầu. Chưa hết, ông ta còn ngụy biện bằng những lời rất xảo trá rằng: Thủ tướng đề cao việc thi tuyển… Người giỏi trước hết là do Trời sinh ra, rồi có môi trường thuận lợi để phát triển. Môi trường tốt là tự do dân chủ. Vậy để có nhiều người giỏi cho Đảng lựa chọn thì trước hết phải tạo ra môi trường tự do, quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do phản biện và phải bỏ tiêu chuẩn trung thành với lý tưởng của Đảng trong lựa chọn. Nguy hiểm và tráo trở đến tận cùng, ông ta còn xuyên tạc, bịa đặt về các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tuyển dụng cán bộ trong bộ máy công quyền, rằng: Bóp nghẹt tự do tư tưởng, tạo ra dân chủ giả hiệu thì chỉ vùi dập nhân tài, tiêu chuẩn trung thành chỉ nhằm loại bỏ nhân tài. Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam phạm một số sai lầm về phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo đường lối đó dù có tổ chức thi tuyển kiểu nào cũng chủ yếu chọn được bọn người cơ hội…Vậy, ở đây xin hỏi ông Nguyễn Đình Cống – một thành phần thoái hóa, trở cờ rằng, nếu trước đây ông không thể hiện rõ là người có năng lực và trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân thì thử hỏi có được ngồi vào vị trí chủ nhiệm khoa quan trọng nhất của trường đại học không? Và trước đây khi còn là giảng viên, nếu ông không thể hiện rõ là người vừa có tài vừa có đức, được đồng nghiệp và sinh viên yêu mến, tin tưởng thì liệu có được tôn vinh là Giáo sư rồi Nhà giáo Nhân dân hay không? Thế mà nay ông suy thoái, từ bỏ Đảng, quay xe và làm cái nghề a dua theo đám bất mãn, phản động, chống phá. Quá buồn thay cho ông.
Mong rằng, trên cõi đời này sẽ không còn ai phải mang tiếng là kẻ trở cờ, kẻ bẻ lái ngược đường phản bội lại đất nước và làm tự hoen ố thanh danh khi đã “gần đất, xa trời” như ông Nguyễn Đình Cống!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét