Muốn giảm tỷ lệ tội phạm thì phải phòng từ gốc
Trước tình trạng tỷ lệ nhiều loại tội phạm đều tăng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận định, coi trọng công tác phòng ngừa là một trong những giải pháp “từ gốc”.Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) đặt vấn đề tình trạng nhiều loại tội phạm gia tăng về số lượng và quy mô. Do đó, đại biểu Hương cho rằng, cần có kiến nghị về mặt thể chế để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao hơn.Trước đó vào sáng cùng ngày, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) nhận định, các báo cho thấy bức tranh chung về tình hình an ninh trật tự xã hội trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng. Toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 18%.
Đại biểu Trí chỉ rõ các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như tội phạm giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự gây rối trật tự công cộng tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá, điện tử, đồ uống thực phẩm gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên và đe dọa đến an ninh trường học, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tội phạm mua bán người lừa đảo đưa người Việt Nam ra nước ngoài cưỡng bức lao động cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng tăng.
Bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đại biểu Trí cho biết vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật như.Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ băn khoăn trước câu hỏi: “Vì sao khi chúng ta càng chống, càng đấu tranh quyết liệt, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng?”.Người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải thích, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều yếu tố. “Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời có lẽ một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc”, Viện trưởng Trí nhấn mạnh.
Ông nhận định, công tác phòng ngừa liên quan đến công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội phải cùng tham gia thì công tác đấu tranh mới hiệu quả.
Tiếp thu các ý kiến thảo luận, ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước.Bộ trưởng bày tỏ, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi. Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm cũng làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
Một là, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Hai là, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách.
Ba là, những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Công an, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian.
Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét