Phê phán luận điệu sai trái của Song Chi
Vừa qua, Song Chi đăng bài “Từ vụ tử tù Lê Văn Mạnh đến chính sách “trị” dân của một chế độ độc tài”, được đăng trên facebook: Đài Á Châu tự do. Trong bài viết Song Chi cho rằng, không nên thi hành án với tử tù Lê Văn Mạnh và cho rằng mọi hành động, chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam đều nằm trong những chiến lược, biện pháp “trị” dân và bảo vệ quyền lực của “một chế độ độc tài”. Những luận điểm trên của Song Chi hoàn toàn sai trái, không đúng với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Bởi lẽ, Luật Hình sự Việt Nam quy định rõ: Tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Với quá trình xét xử chặt chẽ, công minh qua nhiều cấp và những thủ tục chặt chẽ, khả năng người bị kết án bị chết oan là rất hiếm hoi. Thực tế ở Việt nam từ xưa đến nay, chưa thấy có trường hợp nào giết oan một người vô tội và trường hợp tử tù Lê Văn Mạnh cũng không phải là ngoại lệ.
Về cơ sở pháp lý, việc duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam không trái luật pháp quốc tế và không vi phạm nhân quyền. Quyền được sống là quyền cao nhất của con người, mang tính phổ biến không ai có quyền tước đi. Việt Nam là thành viên của công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1966. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 6 của công ước quy định: “Ở những quốc gia chưa xóa bỏ hình phạt tử hình thì chỉ được phép áp dụng đối với những tội nghiêm trọng nhất…”. Điều này cho thấy, công ước thừa nhận ở những quốc gia khác nhau, tùy theo điều kiện cụ thể của mình có thể duy trì hình phạt tử hình. Nhưng hình phạt tử hình phải được áp dụng đối với những người phạm tội nghiêm trọng nhất.
Về mặt lý luận, hình phạt tử hình không trái với nguyên tắc nhân đạo. Hình phạt tử hình là nghiêm khắc nhất, tước đi quyền sống của người phạm tội. Đây là hình phạt chỉ có tác dụng trừng trị mà không có ý nghĩa cải tạo, giáo dục người phạm tội. Cũng vì thế mà các quan điểm chống lại hình phạt tử hình thường chỉ trích rằng nó vô nhân đạo “ghê tởm, man rợ” đối với người phạm tội. Chúng ta cần phải hiểu rằng tính nhân đạo của pháp luật biểu hiện ở sự dung hòa lợi ích của xã hội và lợi ích của người phạm tội. Việc đề cao lợi ích của người phạm tội mà quên đi lợi ích của toàn xã hội không thể xem là thỏa mãn nguyên tắc nhân đạo của pháp luật. Một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt cho xã hội và còn tiếp tục đe dọa đến sự an toàn của xã hội thì việc nhân đạo đối với họ chính là vô nhân đạo đối với toàn thể cộng đồng xã hội. Đứng ở góc độ xã hội, cần phải có một hình phạt nghiêm khắc hơn đó là hình phạt tử hình để đảm bảo mục đích phòng ngừa của hình phạt. Như vậy, hình phạt tử hình đã thể hiện tính nhân đạo một cách tương đối thông qua khía cạnh xã hội là loại bỏ mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội, răn đe và giáo dục người khác không phạm tội hay từ bỏ ý định phạm tội.
Trong những vụ phạm tội về tham nhũng, ma túy, hiếp dâm, giết người, cướp tài sản, người phạm tội đã gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước từ các vụ tham nhũng, nhiều gia đình tan nát vì vướng phải ma túy, nhiều trẻ em bị khủng hoảng suốt đời vì bị hiếp dâm… Trong trường hợp đó, vai trò của pháp luật là bảo vệ người bị hại và của cả cộng đồng chứ không phải giữ gìn và nâng cao phẩm giá của người phạm tội và hình phạt tử hình sẽ làm tốt được điều này. Mặt khác trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà tội phạm còn tồn tại và tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến cuộc sống yên bình của bất kỳ thành viên nào trong xã hội thì hình phạt tử hình tồn tại là rất hiệu quả. Chúng ta hãy hình dung đối với một người phạm tội đặc biệt nguy hiểm nhưng không bị áp dụng hình phạt tử hình thì ở trong trại giam, người này có thể đe dọa về tính mạng cho những phạm nhân khác. Và nếu người này thoát khỏi sự kiểm soát của trại giam, thì cả cộng đồng sẽ đặt trong một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Do đó, hình phạt tử hình được xem là điều kiện tốt để mang lại một cuộc sống có chất lượng và an ninh cho toàn xã hội.
Về thực tiễn, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, trong khi luật còn duy trì hình phạt tử hình mà vẫn có những tội phạm nguy hiểm như thế, cho nên nếu hình phạt tử hình được xóa bỏ thì mức độ vi phạm của tội phạm sẽ như thế nào? Hiện nay ở nước ta, nhiều người phạm tội vẫn có biểu hiện hết sức nghiêm trọng, ngoan cố, bất chấp tất cả hậu quả, dù đó là cái chết. Đối với những người đó, nếu không bị loại khỏi xã hội thì khả năng nguy hiểm là rất cao. Do đó, nếu cái giá phải trả càng thấp so với việc phạm tội đạt được, thì khả năng thực hiện ý định phạm tội càng cao. Nhiều người phạm tội thổ lộ do nghĩ đến việc bị tử hình nên hành vi phạm tội được dừng lại và không tiếp diễn nghiêm trọng hơn.
Trên cơ sở phân tích nêu trên, việc duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam đối với các trường hợp đặc biệt nguy hiểm là cần thiết, khách quan và không trái với chuẩn mực quốc tế. Đó không phải là chính sách “trị” dân như Song Chi xuyên tạc, mà là sự ưu việt của một xã hội dân chủ, vì con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Mọi người cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật; thường xuyên trau dồi, nâng cao tri thức khoa học, bản lĩnh chính trị, kỹ năng nhận diện và đấu tranh trên các mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét