Cuộc đời của Cù Huy Hà Vũ có lẽ đã khá hơn nếu anh ta hiểu rằng thay vì là một chính khách theo đuổi đường lối “chính trị thực tiễn” của Kissinger, anh ta chỉ là một thành phần hoang tưởng chính trị.
Ngày 29/11/2023, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi. Là một nhân vật chính trị gây tranh cãi, Kissinger đã khuấy động một dư luận đa chiều quanh cái chết của ông ta, và giới chống cộng cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dư luận đó. Nếu đa số giới chống cộng cờ vàng uất hận Kissinger vì đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hoà khi chế độ này hết giá trị sử dụng, thì Cù Huy Hà Vũ, vốn xuất thân từ miền Bắc, đã gửi cho BBC tiếng Việt một bài ca ngợi đường lối “chính trị thực tiễn” của Kissinger. Dù vậy, đường lối này có phù hợp với năng lực giới hạn của Vũ không, và có mâu thuẫn với những lý tưởng mà anh ta viện dẫn làm bình phong hay không, thì lại là một vấn đề khác.
Trong bài viết “Nhắc đến Henry Kissinger và nhu cầu chọn chính trị thực tiễn cho Việt Nam ngày nay”, đăng trên BBC tiếng Việt hôm 06/12, Cù Huy Hà Vũ đã kể lại cơ duyên đưa ông đến với đường lối “chính trị thực tiễn”. Theo đó, khi sang Mỹ tị nạn vào năm 2014, Vũ “được Chính phủ Mỹ bố trí làm việc tại Quỹ quốc gia yểm trợ Dân chủ (National Endownment for Democracy – NED)” – nơi từng là chỗ làm của nhiều “cựu chính khách”, “cựu tổng thống”, như lời Vũ tự hào khoe. Ở đó, Vũ được một cấp quản lý khen là “có tư duy giống Henry Kissinger”. Từ đó, Vũ tìm hiểu đường lối “chính trị thực tiễn” của Kissinger “để có thể thăng tiến trong học thuật cũng như trong kỹ năng thiết lập chính sách”.
Vậy Cù Huy Hà Vũ đề nghị chính sách gì cho Việt Nam, nhân danh đường lối “chính trị thực tiễn”? Tưởng có gì mới, hoá ra Vũ vẫn đòi chính phủ Việt Nam kết đồng minh quân sự với Mỹ để chống Trung Quốc – một điều mà anh ta đã nói lặp đi lặp lại như vẹt từ mười mấy năm nay. Vũ viết:
“Tôi, Cù Huy Hà Vũ, thì xác quyết rằng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc “hậu Đông Âu” đang biến tướng thành chủ nghĩa đế quốc cổ điển hay Tân Đại Hán với đặc trưng là bành trướng lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự. Lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt trên biển Đông, là mục tiêu số 1 của tham vọng đế quốc này.
Do đó, ngay từ năm 2007, tôi đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam lập liên minh quân sự với Mỹ để chống xâm lược từ Trung Quốc một cách hiệu quả và bền vững. Cụ thể là ngày 23/12/2007, tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đến thăm Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tại nhà riêng của ông ở số 5A phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Trong buổi gặp đó, tôi đã trao tận tay Tướng Anh một bức thư dài 5 trang chứa đựng đề xuất chiến lược này và đề nghị ông chuyển nó tới Chính phủ Việt Nam. Trong thư này, sau khi phân tích tình thế mất nước của Việt Nam trước dã tâm xâm lược của Trung Quốc, tôi kết luận:
“Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung hạn, thậm chí dài hạn để có thể hoá giải một cách có hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ.”
Trong những dòng cuối bài, Vũ thúc giục Việt Nam tiến từ quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” vừa thiết lập với Mỹ lên quan hệ liên minh quân sự vừa nêu, để thực hiện cái mà anh ta gọi là “mệnh lệnh của thời đại”.
Ta nên nghĩ sao về chính sách đối ngoại mà Cù Huy Hà Vũ đề xuất? Trước hết, có thể thấy nó còn chẳng khớp được với đường lối “chính trị thực tiễn” của Kissinger. Chỉ cần nhìn vài kinh nghiệm lịch sử, ta sẽ thấy Mỹ nhanh chóng vứt bỏ đồng minh như thế nào. Việt Nam Cộng hoà đánh thuê cho Mỹ, nhưng bị Mỹ vứt bỏ khi lợi dụng xong, để rồi sụp đổ trong uất hận là một ví dụ. Gần đây hơn, chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên cũng đã sụp đổ theo cách tương tự khi Mỹ rút quân về nước. Ukraine, nước có nhiều lý do nhất để tin vào liên minh quân sự với Mỹ, cũng đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ cắt viện trợ chính bởi cái đường lối “chính trị thực tiễn” mà đảng Cộng hoà của Trump chịu ảnh hưởng từ Kissinger. Trong bối cảnh đó, tình nguyện làm tiền đồn chống Trung Quốc của Mỹ ở Đông Nam Á, để rồi bị kéo vào một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm như Ukraine, và bị Mỹ vứt bỏ khi hết giá trị lợi dụng, thì “thực tiễn” cái nỗi gì? Nếu thật sự quan tâm đến lợi ích thực tiễn của bản thân, Việt Nam nên xác định thế đứng độc lập khỏi các phe phái nhất thời, tương tự Mỹ đã làm trong bối cảnh Chiến Tranh Lạnh thời Kissinger, thay vì ảo tưởng rằng thế giới đang chia phe một cách cố định. Dù có hay không thua Mỹ trong cuộc đua trở thành cường quốc số 1 thế giới, Trung Quốc vẫn sẽ là một cường quốc trong khu vực, và những quyết định hiếu chiến theo lối tham vặt của Vũ có thể để lại hậu quả thảm khốc cho người dân Việt Nam.
Cù Huy Hà Vũ có năng lực trí tuệ phù hợp để theo đuổi đường lối “chính trị thực tiễn” không? Trong suốt sự nghiệp hoạt động của mình, Vũ đã không để lại bất cứ sản phẩm đáng nhớ nào ngoài vài lần khuấy cho dư luận chú ý đến mình, như lần “tự ứng cử chức Bộ trưởng Văn hoá” (trong khi Bộ trưởng là chức danh được bổ nhiệm, không thể do ứng cử mà có). Nếu có óc thực tiễn, Vũ đã không để mình bị bắt đi tù, rồi phải ra nước ngoài tị nạn, và trở thành một nhân vật mờ nhạt trong giới chống cộng trời Tây. Nếu như Mỹ tuyển dụng Vũ làm ở NED, thì có thể là để anh ta đỡ thất nghiệp, và cũng muốn anh ta làm việc trong chuyên môn luật mà thôi, Vũ không nên ảo tưởng rằng mình được trọng dụng vì có năng lực chính trị trong thực tiễn.
Sau cùng, cần nhấn mạnh rằng đường lối “chính trị thực tiễn” của Kissinger mâu thuẫn với lý tưởng dân chủ, nhân quyền mà Cù Huy Hà Vũ đang dùng làm bình phong. Trong những ngày qua, dư luận thế giới đã tiếp tục lên án Kissinger về những cuộc diệt chủng mà ông ta đã tiến hành hoặc liên quan – như việc ném bom Campuchia khiến 150.000 thường dân thiệt mạng để ngăn bước quân giải phóng từ miền Bắc Việt Nam, hay việc hậu thuẫn lật đổ một tổng thống dân cử có tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Chile để rồi dựng lên chế độ độc tài Pinochet, hay việc hậu thuẫn Pinochet tra tấn hơn 40.000 người và giết hại 3000 người để chống cộng ở Chile, hay việc hậu thuẫn Pakistan đàn áp cuộc nổi dậy đòi độc lập của người Bangladesh, một cuộc chiến trong đó quân đội Pakistan tàn sát 3 triệu người Bengali và cưỡng hiếp từ 200.000 đến 400.000 phụ nữ… Thế giới coi Kissinger là một tội phạm chiến tranh chưa bị xét xử, và Cù Huy Hà Vũ đang ca ngợi một tội phạm chiến tranh. Thế mới thấy trên phương diện chính trị, Vũ không có cả tài lẫn đức, và đã chỉ gây chú ý nhất thời nhờ xuất thân và quan hệ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét