Ở VIỆT NAM PHÁP LUẬT LÀ TỐI THƯỢNG
Từ lâu, pháp luật luôn là một phạm trù đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức và điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống kinh tế – xã hội, trên cả cơ sở lý luận và thực tiễn. Trải qua nhiều sự biến đổi không ngừng để đáp ứng những yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, song pháp luật vẫn giữ những thuộc tính, đặc trưng vốn có của nó. Một trong số các đặc trưng đó có thể kể đến là việc pháp luật đóng vai trò như một công cụ để bảo đảm tự do của người này không xâm phạm tự do của người khác. Tại Việt Nam, quyền tự do chân chính của người dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó bài viết của Hồng Dân đăng trên “Doithoaionline” với luận điểm cho rằng “Quyền tự do của người dân là tự do trong khuôn khổ do Đảng quy định” hay là “Tự do pháp luật quy định là tự do trong khuôn khổ do Đảng quy định” là hoàn toàn sai sự thật, cố tình không hiểu hay cố tình lèo kéo đi theo theo hướng khác nhằm hạ thấp vai trò của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như chúng ta đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật được hiến định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013. Bởi xuất phát từ bản chất, mục đích của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng và phát triển không có mục đích gì khác ngoài mục đích “vì Nhân dân”. Trong thực tiễn hơn 90 năm chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định bản chất vì nhân dân. Song song với việc đó, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng luôn điều chỉnh để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đồng thời khẳng định Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là một trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng”, như vậy có nghĩa là Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải Đảng hoạt động ngoài pháp luật hay cái gọi là “Tự do do pháp luật quy định là tự do trong khuôn khổ do Đảng quy định” như bài viết của Hồng Dân.
Nhà nước có vị trí không thể thay thế trong việc tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, đưa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội. Nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật, do đó đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm cả đảng cầm quyền, đều phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đảng là tổ chức cao nhất, là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và tổ chức để Nhân dân thực hiện. Đảng định ra các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Hiến pháp và pháp luật, luật tổ chức các cơ quan nhà nước. Vì vậy, khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị, xã hội khác.
Nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” được ghi trong Hiến pháp còn nhằm bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, phòng, chống mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Trong nhà nước pháp quyền thì việc thượng tôn pháp luật là yêu cầu tất yếu, mọi tổ chức và công dân đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, dù Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước song Đảng cũng không đứng trên hay đứng ngoài pháp luật, mà chính Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng. Hiến pháp và pháp luật cũng đồng thời bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, bảo đảm các hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên đúng với chủ trương, quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Quyền tự do của mọi người trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm bằng pháp luật của Việt Nam và mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, quyền và nghĩa vụ luôn song hành. Do đó quyền tự do của người dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật chứ không phải trong khuôn khổ do Đảng quy định, bởi vì Đảng cũng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Do đó, mọi người cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật, nhằm làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét