Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Sự giàu trí tưởng tượng của Lê Học Lãnh Vân

 

Sự giàu trí tưởng tượng của Lê Học Lãnh Vân


Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện mục đích chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền, vu cáo Việt Nam kỳ thị dân tộc, xuyên tạc, bôi nhọ đường lối chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Mới đây, với bài viết “Bao dung, thù hận và hòa bình” đăng trên trang “Boxitvn”, Lê Học Lãnh Vân đã “giàu trí tưởng tượng” đưa ra những luận điệu vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách kỳ thị dân tộc.

Với tâm địa thù hằn, kỳ thị dân tộc, Lê Học Lãnh Vân đã cho rằng: “Nói Việt Nam không có nạn kỳ thị dân sắc tộc là mơ ước thì đúng”, “còn lâu lắm, rất lâu, mới có được một sự bình đẳng, một mối quan hệ anh em thân ái một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam”, Việt Nam đang thực hiện chính sách “xua đuổi, cướp đất” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, “làm cho người thiểu số đã chạy vào đến tận đáy rừng”; người Việt thì giàu “xênh xang còn người thiểu số thì bói không ra”. Đây là những luận điệu mang tính chất vu khống, bịa đặt, dựng chuyện của Lê Học Lãnh Vân.

Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta qua các thời kỳ đều nhất quán khẳng định, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nhất quán chủ trương bảo đảm các dân tộc được bình đẳng, đoàn kết, cùng nhau phát triển. Đảng ta khẳng định, một trong những bài học thành công của cách mạng Việt Nam là không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Với chính sách và pháp luật thể hiện tinh thần tiến bộ, bình đẳng, công bằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả trên bình diện quốc tế và quốc gia. Ngày 9/6/1981, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Trong các năm 1983, 1993, 2000 và 2012, Việt Nam đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD. Đó là minh chứng xác thực cho những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới…

Quyền bình đẳng của các dân tộc được ghi nhận và khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ. Mới nhất, tại Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Nguyên tắc trên của Hiến pháp đã được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, được thể chế và cụ thể hóa trong các văn bản luật: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Trên thực tế, đồng bào các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp dành ưu tiên bảo đảm quyền bình đẳng, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, những năm gần đây, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Người dân tộc thiểu số được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Điển hình là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi; về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững tại vùng nghèo, vùng khó khăn. Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm chú trọng, đạt được kết quả tích cực, cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mặt bằng dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao. Các địa phương trong cả nước, nhất là vùng dân tộc thiểu số luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của nhân dân. Chính quyền các địa phương luôn bảo đảm sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tổ chức tôn giáo; giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Với những kết quả to lớn của quá trình thực hiện các chính sách dân tộc của Việt Nam, cùng sự nhất quán trong quan điểm bình đẳng, đoàn kết dân tộc là minh chứng sinh động khẳng định, Việt Nam không có nạn kỳ thị sắc tộc là một thực tế, chứ không phải là ước mơ ảo tưởng như Lê Học Lãnh Vân đã giàu trí tưởng tượng./.

Không có nhận xét nào: