Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Đánh giá xuyên tạc, thiếu khách quan về chống tham nhũng ở Việt Nam của David Hutt

 

Vừa bước vào năm 2024, BBC News Tiếng Việt đưa ra quan điểm của David Hutt về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam xuyên tạc cho rằng, chiến dịch này nhằm “hạn chế khu vực tư nhân” và “…sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự – đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy. Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng”. Đây là quan điểm thiếu khách quan, áp đặt, bóp méo, hạ uy tín Đảng CSVN, xuyên tạc chủ trương, chinh sách xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực hiện nay.

Tham nhũng là một phạm trù lịch sử, xuất hiện khi có sự phân chia giai cấp và sự hình thành Nhà nước, xuất hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử, từng quốc gia có các biện pháp phòng chống khác nhau. Ở Việt Nam từ thời nhà Lý đã có tình trạng các quan lại tham ô, nhũng nhiễu người dân. Triều đình đã có những quy định việc xử phạt quan lại tham ô, tham nhũng. Vua Lý Thái Tông năm 1042, đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên – Hình thư (năm 1042). Đến Triều đại Lê sơ, vua Lê Thánh Tông, năm 1483 đã ban hành Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). Luật Hồng Đức coi tội tham nhũng là một tội danh nguy hiểm, làm người dân oán thán và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà vua. Đến thời vua Gia Long đã ban hành Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) năm 1815 với 398 điều trong đó có 79 điều quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu. Đến thời vua Minh Mạng bất kể ai, giữ chức vụ gì, kể cả thân cận nhà vua khi tham nhũng đều bị xử nghiêm khắc. Năm 1831, vua Minh Mạng ban hành Luật Hồi ty, quy định khi sắp xếp, bố trí bộ máy quan lại, không được bố trí những người cùng quê nội và quê ngoại, bao gồm cả quê mẹ và quê vợ. Bài học ông cha ta để lại về phòng chống tham nhũng, mãi mãi là giá trị trường tồn với thế hệ con cháu sau này.

Nhìn ra thế giới ta thấy tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, không phụ thuộc vào bất kỳ thể chế chính trị nào, đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia. (1) Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres “tệ nạn tham nhũng đang hiện hữu ở mọi quốc gia, từ giàu tới nghèo, từ Bắc tới Nam, cả các nước phát triển lẫn nước đang phát triển, nước nghèo”. (2) Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC) cũng nêu rõ: “tham nhũng không chỉ đe dọa sự ổn định và an ninh của xã hội, các thể chế và các giá trị của nền dân chủ, các giá trị đạo đức và công lý, sự phát triển bền vững và chế độ pháp quyền, mà còn là một hiện tượng xuyên quốc gia ảnh hưởng đến tất cả các xã hội và các nền kinh tế”. (3) Chính vì thế, tháng 12 năm 2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mê-hi-cô để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc. Công ước này được đánh giá là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tham nhũng.

Việt Nam ký kết UNCAC từ năm 2003 và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi UNCAC năm 2009 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế, biện pháp, cách thức để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự hiệu quả. (1) Điển hình là tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131, 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Việc ban hành hai quy định này cho thấy Đảng không chỉ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, đòi hỏi tính liêm chính rất cao, Đảng còn quyết liệt bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, sự minh bạch của hệ thống công quyền và củng cố niềm tin, sự ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên nhiều mặt trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước. (2) Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,05%, mục tiêu đề ra trước đó là 6,5%. Mức tăng trưởng 5,05% của Việt Nam được công ty truyền thông Nhật Bản Nikkei, hãng tin Anh Reuters đánh giá là “tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”. (3) Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. (4) Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá Việt Nam và Philippines là hai nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. CEBR dự đoán, Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới và sẽ tăng nhanh lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038. Kết quả có được một phần nhờ quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính trị.

Đánh giá của các tổ chức quốc tế và nguyên thủ quốc gia của một số nước về phòng chống tham nhũng của Đảng ta: (1) Ngài Kamal Malhotra, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam là một điểm sáng đáng chú ý”. (2) Tổ chức minh bạch quốc tế năm 2019 đã đánh giá: “Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, hành động phòng, chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng quy mô lớn chưa từng có”. (3) Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá cao công cuộc lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Ðông Nam Á và trên thế giới”. (4) Tuần báo The Economist của Anh ngày 26/01/2023 đánh giá chiến dịch ‘Đốt lò’ đã góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế. (5) Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 tăng 3 điểm và lên 10 bậc trong bảng xếp hạng. Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI nhiều nhất trong 5 năm liên tục.

Tệ nạn tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng, một khi quyền lực bị lạm dụng. Nếu quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; người có quyền lực sẽ “không thể” “không dám” “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa. Từ những quan điểm nêu trên ta thấy, ông David Hutt với cách tư duy và nhìn nhận thiếu khách quan, đã đưa ra quan điểm về chống tham nhũng của Việt Nam là không phù hợp với xu thế của thời đại, không đúng với vị thế và vai trò của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Quan điểm này sẽ tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc và chống phá gây mơ hồ ảo tưởng, nhận thức sai lệch, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân./.

Không có nhận xét nào: