Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

BÁC BỎ SỰ XUYÊN TẠC THỰC TIỄN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

 

BÁC BỎ SỰ XUYÊN TẠC THỰC TIỄN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM


Các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện cảm với Việt Nam luôn coi vấn đề tự do tôn giáo là một trọng điểm để chống phá. Họ đưa các luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo, tạo ra bức tranh méo mó về vấn đề tự do tôn giáo ở nước ta để vu khống Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Mới đây, trên trang mạng “Vietnamthoibao” được điều hành bởi các thế lực phản động, thù địch đã cho lan truyền “cái gọi là” “Tình trạng đàn áp tôn giáo Việt Nam năm 2013” của Song Chi đã đưa ra nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống sự thật về tôn giáo và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, như: Mâu thuẫn, xung đột giữa chính quyền và công giáo vẫn diễn ra thường xuyên, với những vụ đàn áp đẫm máu?; tôn giáo sẽ bị tha hoá và biến chất để trở thành một công cụ thống trị của bạo quyền mà thôi. Y đã “lấy làm tiếc” khi: Chính phủ phương Tây quá nhân nhượng với Việt Nam và không còn đặt nặng vấn đề “nhân quyền” như là yếu tố tiên quyết trong quan hệ với Việt Nam. Y đưa ra “kiến nghị”, “kêu gọi” rằng: “Nếu Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng hạt những vi phạm nhân quyền của Việt Nam thì tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền sẽ được cải thiện ít nhiều”. Theo đó, đánh lừa dư luận, kích động một bộ phận giáo dân có những hành vi chống đối chính quyền; tạo cớ để các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, hòng tạo ra “cách mạng màu” như chúng đã thực hiện ở một số nước. Vì vậy, người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, nhận thức đúng và đấu tranh với mọi hành vi xuyên tạc, lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam.

Chúng ta đều biết rằng, trong suốt sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định: Tôn trọng các quyền tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng khẳng định: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi pham tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ: Thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; … chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quán triệt và thực hiện quan điềm của Đảng về tự do tín ngưỡng giáo và không tín ngưỡng tôn giáo, Khoản 1, 2 điều 24 Hiến pháp năm 2013, hiến định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Đây là cơ sở pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh.

Theo Sách trắng Tôn giáo Việt Nam năm 2023: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo; các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Theo thống kê, hiện nay, ở Việt Nam, có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.

Các tôn giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia các tổ chức chính trị – xã hội, trực tiếp tham gia tư vấn, phản biện các chính sách của Nhà nước nói chung và chính sách tôn giáo nói riêng.

Đặc biệt, trong chương trình thăm cấp Nhà nước tới Italy, nhận lời mời của Giáo hoàng Francis, ngày 27/7/2023 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến Giáo hoàng Francis và gặp Thủ tướng Tòa thánh, Hồng y Pietro Parolin. Giáo hoàng Francis khẳng định: Tòa thánh mong muốn quan hệ Tòa thánh – Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”; khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội. Đồng thời, Hồng y Paronlin đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm tự do tôn giáo cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo, khẳng định Tòa thánh luôn khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và của Giáo hội.

Đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho người dân là đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được rõ trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đảng, được Hiến định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật; được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, đời sống tôn giáo, được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo trong nước đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vì thế, các luận điệu về tự do tôn giáo của Việt Nam của Song Chi và các thế lực thù địch, phản động là vô căn cứ, thể hiện rõ sự xuyên tạc, vu khống, bóp méo sự thật./.

Không có nhận xét nào: