Quán triệt quan điểm, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Ngày 10/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1334/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”. Tuy nhiên, những quan điểm, mục tiêu, giải pháp thể hiện tính đoàn kết, nhân văn, nhân đạo sâu sắc của đề án này lại bị một số phần tử phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc. Trong bài viết “Bản lên tiếng về chủ trương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm khai thác người Việt tại hải ngoại” đăng trên mạng xã hội, với lối suy nghĩ lệch lạc, ác ý, Thới Bình đã xuyên tạc rằng Đề án này là “âm mưu tinh vi nhằm khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại để làm giàu cho chế độ hầu tiếp tục thống trị đất nước”, “thực hiện Nghị quyết 23, 36 đều không thành công”… Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chính sách hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ nhất, mục tiêu của Đề án thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tạo sự thống nhất về nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo môi trường, cơ chế trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với quê hương, bảo đảm cho họ cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, nhân đạo… Hình thành khuôn khổ, cơ chế khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng. Phấn đấu 100% các địa bàn có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành lập được các hội, đoàn, để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển, có vị thế ở sở tại.
Từ đó có thể thấy, mục tiêu của đề án là nhằm phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ kiều bào ta ở nước ngoài có địa vị pháp lý, được bảo vệ trong quá trình làm ăn sinh sống ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam. Hoàn toàn không phải mưu cầu lợi ích cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào và càng không phải “làm giàu cho chế độ hầu tiếp tục thống trị đất nước” như sự xuyên tạc của Thới Bình.
Thứ hai, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để Người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện làm ăn, sinh sống ở nước sở tại và đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Quán triệt, thực hiện quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết số 23, 36 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại với người Việt Nam ở nước ngoài, đã đạt được kết quả quan trọng.
Các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp, rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho kiều bào được hưởng một số chính sách và quyền lợi như người dân trong nước để yên tâm đầu tư, kinh doanh, làm việc hoặc về nước sinh sống. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động kiều bào hướng về quê hương, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng, phát triển đất nước như: Tổ chức chương trình Xuân Quê hương, tổ chức thăm huyện đảo Trường sa, nhà giàn DK1, tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, trại hè Việt Nam… Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về Tổ quốc.
Mặc dù sống xa Tổ quốc song, đông đảo đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất để xây dựng đất nước. Đông đảo bà con hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện… Đồng thời, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.
Thiết nghĩ, đã là con dân đất Việt thì ai cũng muốn được đóng góp cho quê hương, đất nước theo điều kiện, khả năng của mình, chỉ có những kẻ lạc loài, mất gốc mới quay lưng lại với quê hương, đất nước, nơi đã sinh ra ông bà, cha mẹ, thậm chí là bản thân mình. Nên, việc triển khai thực hiện Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” nhằm vừa phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước vừa nâng cao hiệu quả hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ người Việt Nam ở nước ngoài trong làm ăn, sinh sống ở nước sở tại và tham gia xây dựng quê hương là phù hợp và đúng đắn, chứ không phải “lợi dụng, phá hoại, lũng đoạn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” như sự xuyên tạc của Thới Bình và đồng bọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét