Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Công an nhân dân khắc ghi lời dạy "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"

 

Công an nhân dân khắc ghi lời dạy "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"


 - Danh dự của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam là yếu tố quan trọng hàng đầu, là bức tường thành vững chắc quyết định hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong mọi giai đoạn cách mạng. Trên cơ sở làm rõ những vấn đề chung liên quan trực tiếp đến lời dạy “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, bài viết đã phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với toàn lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
 

Công an nhân dân khắc ghi lời dạy "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"

Công an nhân dân là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - Ảnh: MH

1. Từ những lời dạy đến sự ra đời của một cuốn sách

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958, với nỗi day dứt, trăn trở trước yêu cầu mới của tình hình cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(1).

Người cũng khẳng định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(2).

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần “khắc cốt”, “ghi tâm” những lời dạy của Bác”(3).

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 19-11-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần học tập lý tưởng sống của nhân vật Pa-ven Cooc-xa-ghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô (cũ) Nhicalai Axtơrốpxki: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”(4).

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 16-6-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và danh dự của người đảng viên.

Ngày 30-6-2022, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”(5).

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở mỗi phương diện và góc độ khác nhau, “danh dự” luôn là điều cao quý đối với mỗi con người, đặc biệt, đối với những người có trình độ học vấn, có chức vụ, có ảnh hưởng đến nhiều người... càng phải biết trọng danh dự, giữ gìn tư cách, hình ảnh, giá trị cá nhân đã được thừa nhận.

Đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND), tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 ngày 15-1-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng: Với nỗ lực và quyết tâm cao, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với đội ngũ cán bộ trung thành, tận tụy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ năng lực, lực lượng CAND sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mong các đồng chí luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình mà thực hiện bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất””(6).

Ngày 12-4-2023, Đảng ủy Công an Trung ương đã phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt và giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Sự ra đời của cuốn sách là hoạt động tinh thần thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948 - 11-3-2023), hướng tới kỷ niệm 78 năm thành lập lực lượng CAND (19-8-1945 - 19-8-2023).

Cuốn sách là sự tổng hợp, chắt lọc những ý kiến chỉ đạo, những bài viết, bài nói chuyện và hình ảnh của Tổng Bí thư với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, có giá trị và ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, qua đó thể hiện sự quan tâm và niềm tin sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng CAND.

Cuốn sách thể hiện vai trò nòng cốt, tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của toàn lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, những nội dung được đề cập trong cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam soi đường, chỉ lối để mỗi cán bộ, chiến sĩ tự soi, tự sửa; không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thông qua nội dung cuốn sách, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an sẽ càng thêm thấm nhuần sâu sắc những tình cảm trân quý và sự kỳ vọng lớn lao của Tổng Bí thư dành cho lực lượng CAND, từ đó không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách, nhiệm vụ được giao.

2. Phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thực tiễn công tác, chiến đấu của Công an nhân dân Việt Nam

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp”(7); “Thiêng liêng là sự cao quý, đáng coi trọng hơn hết”(8).

Xét dưới một khía cạnh chung nhất, “danh dự” và “thiêng liêng” có mối quan hệ chặt chẽ và khăng khít với nhau, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau làm nên một chân lý cao đẹp. Dưới góc độ cá nhân, danh dự là thứ thiêng liêng, cao quý, nhưng không xa vời, trừu tượng mà gần gũi, gắn với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của mỗi con người; được xem như một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, là giá trị làm người. Nó không tự mất đi, không bị hủy hoại bởi yếu tố bên ngoài nếu chính bản thân cá nhân đó không tự đánh mất, tự hủy hoại nó. Danh dự không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, không tự nhiên có được, mà đến từ sự đóng góp, cống hiến của người đó với tổ chức, tập thể, xã hội; do sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện miệt mài, dày công vun đắp như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”; trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp.

Tuy nhiên, mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của danh dự ở mỗi con người trong xã hội sẽ có sự khác nhau, phụ thuộc vào phương thức truyền thông, sự lan tỏa giá trị, quan hệ xã hội, uy tín, địa vị công tác, hoặc địa vị xã hội của người đó. Danh dự làm nên nhân cách của một con người, là kim chỉ nam định hướng tư tưởng, hành động, giúp con người phân biệt được đúng sai, những việc nên làm và những việc nên tránh. Đó cũng là yếu tố giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, cuộc sống giàu ý nghĩa, cao quý và nhân văn hơn.

Với vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, có thể thấy, danh dự của lực lượng CAND là điều thiêng liêng, cao quý mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ra sức trân quý, giữ gìn và phát huy; mất danh dự là mất tất cả, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hình ảnh của lực lượng CAND.

Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, “Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để nêu cao ý chí chiến đấu; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo sáu điều Bác Hồ đã dạy lực lượng Công an nhân dân... Phải coi đây là việc làm thường xuyên, rất hệ trọng, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình; luôn luôn giữ mình cho thật trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước bất cứ sự mua chuộc, lôi kéo nào của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm những việc ty tiện, đớn hèn, làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như thế mới bảo vệ được uy tín, danh dự thiêng liêng và phát huy được truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân”(9).

Danh dự của CAND Việt Nam không thể đo đếm hay mua bán, đánh đổi bằng vật chất, tiền bạc, những thứ phù phiếm, cũng không tự nhiên mà có, mà phải do chính bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn, cống hiến nhiều năm; đó là sự tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, của dân tộc trên hết, ngoài ra không còn lợi ích tư lợi nào khác. Vì vậy, danh dự của lực lượng CAND cần phải được coi trọng, trân quý và giữ gìn từ những hành vi, cử chỉ dù là nhỏ nhất, trong từng tình huống giao tiếp, tình huống nghiệp vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Thực tiễn đã chứng minh, trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, 75 năm học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; lực lượng CAND đã đoàn kết thống nhất, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, quyết sách chiến lược về bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; cùng với nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần đưa kháng chiến thành công, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.

Ý thức được niềm vinh dự, danh dự và trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng Công an các cấp luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, chiến sĩ công an đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Lực lượng CAND đã và đang “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần tô thắm thêm truyền thống của CAND Việt Nam.

Bằng những công việc cụ thể, ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp, có sức lan tỏa, tạo sự tin yêu, đồng thuận của xã hội, của nhân dân với lực lượng CAND; đã có hàng chục nghìn tấm gương sáng về lòng dũng cảm, anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trong đó có 14.849 liệt sĩ, 5.512 thương binh. Lực lượng CAND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 16 Huân chương Sao vàng, 101 Huân chương Hồ Chí Minh, 233 Huân chương Độc lập, 1.089 danh hiệu Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác(10).

Tuy nhiên, trước tác động đa chiều của kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, vẫn có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa thật sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, tự đánh mất phẩm giá, làm hoen ố danh dự của người chiến sĩ CAND, còn có một số biểu hiện băn khoăn trong quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là về những biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vẫn còn có tâm lý hoang mang, dao động trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước. Họ đã không quyết tâm, kiên trì, vững chí nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn “danh dự”; không vượt qua được những cám dỗ. Ở đâu đó trong lực lượng CAND vẫn còn tình trạng cán bộ, chiến sĩ “suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân trong quá trình công tác. Cá biệt có những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, bị bọn tội phạm dụ dỗ, mua chuộc gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, hình ảnh, truyền thống của lực lượng Công an nhân dân”(11).

Để thực hiện tốt và khắc ghi sâu sắc lời dạy “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian tới, lực lượng CAND cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với CAND, bảo đảm không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng CAND

Sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND là nhân tố chính trị quan trọng hàng đầu, yếu tố quyết định sự phát triển, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Công an, bảo đảm cho Công an thực sự là công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ và là lực lượng nòng cốt xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND không tạo ra “khoảng trống”, những “vùng cấm”, không “bỏ sót” bất cứ lĩnh vực, hoạt động nào của CAND. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của CAND thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì thế, cấp ủy và thủ trưởng Công an các cấp phải luôn gương mẫu, đi đầu trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, hành động theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” để cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, lơ là trách nhiệm trong công tác, nhất là tư tưởng trung bình chủ nghĩa ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ.

Tăng cường công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ; thường xuyên quán triệt cán bộ, chiến sĩ thực hiện hiệu quả 5 chủ động trong công tác tác tư tưởng “chủ động nắm, định hướng, dự báo, đánh giá và giải quyết tình hình tư tưởng”.

Hai là, cán bộ, chiến sĩ CAND thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, tư cách đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân

Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải nêu cao dũng khí, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, để biết từ chối mọi cám dỗ vật chất tầm thường, từ đó có khả năng “miễn dịch” trước những “viên đạn bọc đường”, kiên quyết không đánh mất phẩm chất. Đồng thời, phải đoàn kết, trọng uy tín, giữ gìn danh dự, khiêm tốn, giản dị, chân thành; thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội; tích cực đấu tranh phê phán, lên án các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực”, “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”; trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, tâm huyết, tận tụy, nêu cao trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện phải thực sự là sự thôi thúc từ bên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ nhưng cũng cần phải đặt dưới sự giám sát, đánh giá của Công an các đơn vị, địa phương bằng những hình thức, cơ chế cụ thể, đồng thời là biểu dương, khen thưởng kịp thời những trường hợp tu dưỡng, rèn luyện tốt để nhân rộng và động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ.

Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, chiến sĩ, nhất là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tướng phải ra tướng, quân phải ra quân... Các đồng chí cũng cần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là nêu gương của người đứng đầu...”(12), mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải là người gương mẫu trong mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, gia đình, nghiêm khắc với bản thân và cương quyết chống các loại tội phạm và các hành vi trái pháp luật xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; phải luôn đề cao danh dự, giữ cho được liêm sỉ, thanh danh của bản thân và của lực lượng CAND, gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, quy định, điều lệ, quy tắc ứng xử, quy chế, quy trình công tác và xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND “có trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi chân vững chắc và hai bàn tay sạch”(13).

Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm gương trong công tác và lối sống, thực hiện nêu gương theo tinh thần “trong trước, ngoài sau”, “trên trước, dưới sau”, “phát động đi đôi với hành động”, “nói đi đôi với làm”; chức vụ càng cao càng phải chú trọng nêu gương thường xuyên, tự giác, nhất là trong rèn luyện về đạo đức, lối sống; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc thực hiện tự soi, tự sửa; ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín của Đảng, của lực lượng CAND.

Bốn là, tăng cường duy trì, giữ vững mối quan hệ “máu thịt” giữa lực lượng CAND với quần chúng nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà chiến đấu”(14), “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(15).

Để xây dựng mối quan hệ mật thiết với quần chúng, đề cao tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, Công an các đơn vị, địa phương cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng tác phong sâu sát, dân chủ, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, xây dựng tình thương yêu của nhân dân đối với lực lượng CAND. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận, công tác vận động quần chúng, dựa vào nhân dân để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm với phương châm “trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”(16).

Muốn vậy, phải gắn kết chặt chẽ những công tác này với các phong trào thi đua của Công an các đơn vị, địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; thường xuyên tổ chức các diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân; coi trọng vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng dân.

Đổi mới lề lối làm việc, lấy kết quả sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác. Tập trung hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự.

Phát huy tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu, tiên phong đi đầu, lực lượng CAND nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, xác định rõ “còn Đảng là còn mình”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; tiếp tục ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy để luôn luôn là “lá chắn thép vững chắc” và “thanh bảo kiếm sắc bén” bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào: