Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng
Không gian mạng là “môi trường đặc biệt”, nơi kết nối, chia sẻ thông tin toàn cầu, mang lại lợi ích, mặt tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng cũng có nhiều mối nguy hại đan xen. Việc người dùng có thể tự do đăng tải, chia sẻ thông tin không giới hạn lên không gian mạng khiến nơi đây đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, xây dựng đồng bộ lực lượng quản trị, viết bài và tổ chức đấu tranh thường xuyên, liên tục. Đấu tranh chống diễn biến hòa bình là hoạt động tổng hợp, diễn ra trên mọi lĩnh vực, nên cần tìm kiếm, xây dựng mạng lưới cộng tác viên đa dạng, nhất là đối với lĩnh vực có nhiều hoạt động chống phá. Đối tượng lựa chọn phải được đặt lên hàng đầu tiêu chuẩn về chính trị; đủ năng lực khai thác thông tin, viết bài đấu tranh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt là các nhà khoa học, nhà báo có năng lực tiếp cận, viết bài nhanh bất kỳ vấn đề gì mà ban chỉ đạo đặt ra. Tập trung xây dựng các ban chỉ đạo đấu tranh vững mạnh, có khả năng dự báo tình hình, năng lực tổ chức, chỉ huy; thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng chỉ đạo, phối hợp đấu tranh, sử dụng mạng,… để chỉ huy, chỉ đạo toàn lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, cần kịp thời chỉ đạo: vấn đề nào cần đấu tranh trực diện; vấn đề nào tái khẳng định, bảo vệ; cách ứng xử những vấn đề nhạy cảm. Xác định: thành phần, lực lượng đảm nhiệm; phân phối nhiệm vụ; phương pháp điều hành thống nhất theo các tuyến; quy định bảo mật thông tin; bảo vệ lực lượng đấu tranh. Đồng thời, cần tổ chức một trục đấu tranh thống nhất trong toàn quốc gắn với phân công cụ thể hoạt động riêng của từng đơn vị, không để ngắt quãng, trầm lắng.
Hai là, quy chuẩn về kỹ thuật các bài viết đấu tranh chống diễn biến hòa bình khi đăng tải trên mạng. Chúng ta đều biết, internet là kho thông tin khổng lồ, cho phép tương tác, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người sử dụng. Vì vậy, muốn tăng hiệu quả tìm kiếm, tương tác, các bài viết cần đạt chuẩn SEO. Trong đó, tiêu đề dùng chữ thường, không nên quá 70 ký tự; chapo dưới 150 ký tự; hình ảnh có chất lượng tốt, không vi phạm bản quyền, chứa logo đơn vị phát hành, chú thích ảnh phải phụ trợ chủ đề bài viết; nội dung phân đoạn rõ ràng, có tiêu đề phụ theo phân cấp, không dài quá 250 ký tự, liên quan tiêu đề bài viết, v.v. Đặc biệt, việc nghiên cứu, lựa chọn từ khóa phù hợp với thị hiếu người dùng rất quan trọng; mật độ từ khóa trong bài càng cao thì hiệu lực tìm kiếm càng tốt; từ khóa cần có mặt trong tiêu đề chính, chapo, tiêu đề phụ, trong nội dung bài và cả chú thích ảnh. Ngoài ra, cần tạo các đường liên kết để giải thích nội hàm từ ngữ, vấn đề được trình bày cô đọng; liên kết với các bài liên quan để người dùng dễ dàng truy cập.
Bên cạnh đó, khi xây dựng trang web, đăng tải bài viết nên dùng trang có tên miền ngắn gọn; ưu tiên tên miền quốc tế (cấp 1) có đuôi .com, .net, .info, .gov…; sau đó đến tên miền quốc gia (cấp 2) có đuôi .vn, .au, .uk…; hạn chế tên miền có đuôi .edu.vn, .gov.vn, .edu.uk (cấp 3). Các tài khoản Facebook dùng cho đấu tranh cần đầy đủ ảnh đại diện, danh tính và các thông tin theo yêu cầu của nhà mạng; nếu ẩn danh, thiếu thông tin sẽ khó kết bạn, tham gia nhóm; bị nghi ngờ là tài khoản rác sẽ hạn chế tương tác, rất khó tiếp cận công chúng.
Ba là, xây dựng hệ thống bài viết, chương trình đấu tranh theo từng lớp sự kiện, không để ngắt quãng, trầm lắng. Cái khó của bài viết đấu tranh là lựa chọn chủ đề phù hợp, có luận cứ, luận chứng rõ ràng, không nói nước đôi, tránh “tuyên truyền hộ địch”, nên số lượng bài thường hạn chế. Ngoài ra, có một số bài viết hay, sức thuyết phục cao, nhưng lại đăng ở báo, tạp chí có mức độ ảnh hưởng thấp, hạn chế sức mạnh đấu tranh và lan tỏa. Để khắc phục, nên chia làm 03 tuyến bài; tuyến 1 có chất lượng cao của các nhà khoa học; đó là các bài đấu tranh toàn diện, khoa học về vấn đề địch chống phá. Tập trung lý luận chuyên sâu, phản ánh và giải thích thực trạng; thống nhất quan điểm, cách hiểu vấn đề, sự việc; hướng người đọc tiếp cận vấn đề theo hướng tích cực; từ đó, củng cố lập trường, quan điểm, tư tưởng, phản bác, đấu tranh trực diện quan điểm sai. Tuyến 2 là các bài nhỏ, ngắn khoảng 800 – 1.000 từ, đấu tranh trực diện trên từng mặt hoạt động, vấn đề nhánh; tác nghiệp nhanh. Bài tuyến 3 là những nhận xét, hình ảnh, đoạn video ngắn, tập trung lan tỏa gương người tốt, hoạt động nhân văn, cách làm sáng tạo vì cộng đồng, có nội dung phản biện lại luận điểm của địch; loại này dễ làm, sản xuất nhanh trên thiết bị di động, nhất là có lực lượng tham gia đông, không cần chuyên môn sâu. Các bài tuyến 1, 2 cố gắng tuân thủ chuẩn SEO, bài tuyến 3 không cần chuẩn SEO, nhưng bảo đảm linh hoạt, nhanh nhất. Đồng thời, căn cứ sự kiện lịch sử, kế hoạch hoạt động của Đảng, Nhà nước trong năm, cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cần dự báo sự chống phá, xây dựng kế hoạch đấu tranh, đặt bài, đăng tải phù hợp. Bài tuyến 1 chủ yếu do các nhà khoa học, nghiên cứu, lực lượng quản trị đấu tranh, các nhà báo lớn thực hiện; bài tuyến 2, 3 do các cơ quan, đơn vị huy động mọi lực lượng, tiềm năng có thể. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền quản lý, hỗ trợ từng mức độ bài viết; cho phép tác giả tự do gửi bài đến mọi ban biên tập trang web; chỉ đạo phát triển các bài giá trị, vấn đề quan trọng đã phản ánh ở tuyến dưới lên trên; đăng tải trên các báo, tạp chí phù hợp, ngang tầm. Đặc biệt, sản xuất video đấu tranh hiện nay gặp khó khăn về chi phí, thời gian, nhân công; kịch bản hạn chế; khó tìm hình ảnh sống; phát biểu dễ va chạm, nên cần có cơ chế tốt hơn cho loại hình đấu tranh này.
Bốn là, tăng cường số lượng bài viết, mật độ đăng tải để nâng cao hiệu quả đấu tranh. Chúng ta có nhiều bài viết sâu sắc, chất lượng cao, là sản phẩm trí tuệ của nhiều nhà báo, nhà khoa học, cộng tác viên có tâm với sự nghiệp cách mạng; nếu không lan tỏa đến đông đảo bạn đọc sẽ rất lãng phí. Do đó, các cơ quan báo chí, nhất là báo chí chủ lực cần duy trì tốt chuyên mục bình luận, phê phán để đăng tải các bài viết tuyến 1. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phân công các báo, tạp chí có độ tương tác cao tái đăng tải bài tuyến 1 trong các chuyên mục phù hợp. Các đơn vị tham gia đấu tranh tự nâng cấp trang web thành tên miền cấp 1, 2 để đăng tải bài do cán bộ, nhân viên nội bộ tự viết; được phép đăng lại các bài tuyến 1, 2 của đơn vị bạn dưới dạng trích nguồn. Bài tuyến 3 nên đăng trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Tiktok, Telegram, v.v. Sự tương tác, bình luận đối với các bài tuyến 3 sẽ rất lớn, lớn nhất trong 3 tuyến bài, gồm phản biện cả đồng thuận lẫn trái chiều. Quan điểm của cộng đồng mạng là cơ sở để chúng ta xác định thêm chủ đề đấu tranh, lựa chọn vấn đề cần nâng cấp lên các bài tuyến 1, 2. Bên cạnh đó, đặc thù chống phá của các thế lực thù địch là lặp lại cùng một vấn đề ở nhiều thời gian khác nhau nên cùng với những bài đấu tranh mới, cần cho phép tái đăng tải lại những bài cũ để làm dầy mật độ đấu tranh, giúp người đọc có cái nhìn tổng quát hơn một vấn đề không mới nhưng đang đặt ra ở thời điểm hiện tại.
Cùng với các giải pháp trên, cần có chế tài quản lý, xử lý nghiêm việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bôi nhọ; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để theo dõi, thống kê, đánh giá tình hình, theo vết các tài khoản chứa nhiều thông tin xấu, độc; tổ chức ngăn chặn, giảm tốc độ truy cập; hoặc phối hợp bóc gỡ để làm sạch môi trường mạng, hỗ trợ thông tin trung thực, chính thống; định hướng tư tưởng quần chúng nhân dân vững tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét