Sự cáo buộc phi lý, thiếu khách quan của Ngoại trưởng Mỹ
- Mới đây, ngày 04/01, Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken tuyên bố: Việt Nam vẫn nằm trong “Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo” (Special Watch List – SWL), do Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. Ngay lập tức, thông tin này, nhanh chóng được các tổ chức, cá nhân, các trang tin thiếu thiện chí, chống đối trong và ngoài nước, như: Việt Tân, VOA tiếng Việt, RFA,... tung hô, lan truyền nhằm chỉ trích, vu cáo, bóp méo tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Cần khẳng đinh ngay rằng: tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đưa ra không có bất cứ căn cứ, cơ sở nào; đây là thông tin sai lệch, đánh giá thiếu khách quan, phi lý về tình hình và công tác bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được bảo đảm trên thực tế.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025) với số phiếu bầu rất cao. Điều đó cho thấy sự tín nhiệm của các nước trên thế giới với cách nhìn nhận đánh giá đúng đắn, công tâm về tiến trình bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.
Ở trong nước, những tiến bộ về tự do tôn giáo của Việt Nam đã được thể hiện sinh động trên thực tế khi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam ngày càng cởi mở và được chính quyền các cấp tạo điều kiện. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55 nghìn chức sắc, hơn 145 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo luôn được quan tâm; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước). Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế; nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn tổ chức thành công ở Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam cơ bản ổn định, đời sống tôn giáo có nhiều chuyển biến sâu sắc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm; đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp đăng ký hoạt động; thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo ở Việt Nam luôn được quan tâm. Mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không gặp bất cứ sự cản trở nào.
Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn. Việc giao quyền sử dụng đất để xây dựng, mở mang cơ sở đào tạo, thờ tự của các tôn giáo luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Nhà nước Việt Nam luôn chú ý đến công tác báo chí, tuyên truyền, in ấn, xuất bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều dễ dàng nhận thấy người dân có tín ngưỡng, tôn giáo sinh hoạt bình thường. Các lễ hội của từng tôn giáo được tổ chức chu đáo tại các cơ sở thờ tự thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.
Như vậy, tuyên bố: Việt Nam vẫn nằm trong “Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo” (Special Watch List – SWL), do Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo của Ngoại trưởng Mỹ là nhận xét thiếu khách quan và phi lý, mang đầy tính quy chụp, không đúng sự thật, cần đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét