Thành tựu phát triển kinh tế – xã hội nâng tầm vị thế quốc tế của Việt Nam
Thời gian gần đây, chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế và trong nước. Bên cạnh những đánh giá khách quan, ghi nhận trung thực, khẳng định vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trong của sự kiện này, tạo dấu ấn lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, thì vẫn có những luận điệu xuyên tạc, những góc nhìn lệch lạc, bôi nhọ tình hình đất nước, nói xấu Đảng, Nhà nước, kích động dư luận nhằm phá hoại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Trên nhiều diễn đàn phản động, các bài viết về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện với tần suất dày đặc, tựa “nấm sau mưa”. Nguy hiểm hơn, còn có nhiều videoclip được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, facebook, twiter… với nội dung xuyên tạc, phản ánh sai bản chất của sự kiện này. Luận điệu xuyên tạc được chúng đề cập đến nhiều nhất là: Việt Nam đang thể hiện thế yếu trước Trung Quốc..; Việt Nam đang là một đất nước gia công lắp ráp, không phát triển được công nghệ sản xuất cho riêng mình … nên phải dựa vào lời hứa hẹn của Tập Cận Bình để hồi sinh… Do đó, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc này trên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, sự phát triển kinh tế – xã hội nâng tầm vị thế đất nước ta hiện nay là hiện thực không thể phủ nhận. Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là hiện thực khách quan không gì có thể phủ nhận được. Thành quả này có được là từ sự gắn kết, đồng thuận giữa “ý Đảng” với “lòng dân”. Sau hơn 37 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần, đứng thứ 37 thế giới và thứ 5 trong khu vực ASEAN. Giai đoạn 1986 – 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới. Bên cạnh những con số thống kê “biết nói”, nhìn thẳng vào hiện thực đời sống kinh tế – xã hội có thể nhận rõ, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người Việt được nâng lên từng ngày. Số người giàu ở Việt Nam được xếp hạng thế giới ngày càng nhiều, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh trong xã hội; nạn đói nghèo, mù chữ cơ bản được xóa bỏ. Về công nghệ, người Việt Nam đã và đang từng bước vươn lên làm chủ các công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ tháng 11/2020, ba nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và VinaPhone đã lần lượt công bố kế hoạch thử nghiệm và triển khai mạng 5G tại Việt Nam, và đã từng bước thương mại hóa công nghệ này. Đây là bước tiến nhanh so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, là các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain, học máy (Machine Learning) được tiếp nhận và phát triển bởi người Việt đã góp phần tạo nên hệ sinh thái số quan trọng để Việt Nam phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số… Những thành tựu đó của Việt Nam được các quốc gia, các định chế tài chính lớn trên thế giới thừa nhận, tôn vinh. Việt Nam đang tự lực, tự cường để “chuyển mình” mạnh mẽ, không phải dựa dẫm vào bất kỳ một “liều thuốc thần kỳ” từ bên ngoài như luận điệu xuyên tạc của những kẻ chống đối. Những kẻ cố tình “nhắm mắt, bịt tai”, muốn xuyên tạc tình hình đất nước vì những mưu lợi cá nhân thấp hèn đã tự đặt mình ra khỏi cộng đồng người Việt, hoàn toàn không xứng đáng là người Việt Nam, đáng bị lên án và tẩy chay.
Thứ hai, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng lớn là cơ sở để Việt Nam tăng cường mối quan hệ ngoại giao “khác về chất” với các cường quốc trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Chưa bao giờ tiếng nói của Việt Nam lại có trọng lượng lớn trên các diễn đàn chính trị thế giới như hiện nay. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có giao lưu kinh tế với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, WTO và hàng loạt các tổ chức chuyên môn trên mọi lĩnh vực. Tiếng nói của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng, được các cường quốc lắng nghe, ghi nhận trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới. Bạn bè quốc tế đánh giá cao về nỗ lực, thành tựu cũng như tiềm năng phát triển và đóng góp tích cực của Việt Nam trong các hoạt động đa phương. Việt Nam được xem là một tấm gương của các nước đang phát triển, luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò của Liên hợp quốc, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, vận dụng tốt chiến lược mở cửa, thúc đẩy thương mại, đầu tư làm động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa, là minh chứng rõ nét cho vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Đây là hành động thiết thực để tiếp tục nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Giáo sư Shen Yi, tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự phản ánh: “Trung Quốc coi trọng các nước láng giềng và những nước đáp lại thiện chí đối với nguyên tắc của Trung Quốc về sự thân thiện, chân thành, cùng có lợi và bao trùm trong quan hệ với các nước láng giềng”. Những kẻ luôn muốn “bới lông tìm vết”, muốn lợi dụng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc để phá hoại đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hoá, cản trở sự phát triển của Việt Nam chắc hẳn không thể nhận ra hiện thực khách quan đó. Tất cả những điệu điệu xuyên tạc dù nham hiểm, thâm độc đến đâu cũng không thể phủ nhận được thành tựu phát triển kinh tế – xã hội nâng tầm vị thế quốc tế của Việt Nam, không thể phá hoại được quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trên tinh thần “4 tốt”: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt của Việt Nam và Trung Quốc.
Tóm lại, chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa minh chứng cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, là bằng chứng đanh thép, đáp trả thích đáng những luận điệu của các thế lực thù địch muốn xuyên tạc tình hình đất nước, phủ nhận thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản của dân tộc Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét