Cách đây 78 năm, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã diễn ra trên cả nước và thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, đồng thời đánh dấu một mốc son chói lọi trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam.
Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Do vậy, cuộc Tổng tuyển cử đó không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam… Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta - thời kỳ có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế về đối nội và đối ngoại.
Trải qua 78 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I, chúng ta đã tổ chức thành công 14 lần bầu cử bầu đại biểu các khóa (từ khóa II đến khóa XV). Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã có sự chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng để lại dấu ấn với những quyết sách chưa từng có tiền lệ như tổ chức kỳ họp bất thường, quyết định các vấn đề cấp bách… để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Không chỉ thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, Quốc hội khóa XV cũng đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ nhằm đáp ứng những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
78 năm qua, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, là tài sản vô giá cho các thế hệ đại biểu Quốc hội tiếp nối, kế thừa và phát huy để hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và cử tri, góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Thế nhưng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại hậm hực trước sự đổi mới và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chúng bịa đặt, xuyên tạc về sự lãnh đạo của Đảng trong Quốc hội, cho rằng, “Quốc hội Việt Nam chỉ là sự ăn theo của Đảng”, “Quốc hội Việt Nam chẳng quyết được gì”…
Thực tế hoạt động của Quốc hội 78 năm qua, nhất là hoạt động ngày càng hiệu quả của Quốc hội khóa XV là minh chứng sinh động phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc đó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét