Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

BIÊN CƯƠNG - BỜ CÕI: DƯỚI CHÂN CỘT MỐC 800!

 

BIÊN CƯƠNG - BỜ CÕI: DƯỚI CHÂN CỘT MỐC 800!

     Cuối cùng, sau 5 tiếng đồng hồ trèo đèo, vượt những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, tôi cũng lên được cột mốc 800 nằm trên sườn một đỉnh núi ở độ cao 776m so với mực nước biển. Ở đây, trong trời mây và non cao hùng vĩ, tôi thấu hiểu sự gian nan, vất vả mà những người lính biên phòng đã trải qua để biên cương vững bền, Tổ quốc mãi bình yên và có những mùa xuân tươi đẹp!
Trước khi lên đường đến cột mốc 800, thấy sự háo hức và khí thế khám phá của tôi, Binh nhất Lý Văn Thắng, chiến sĩ thuộc Tổ công tác Biên phòng Lũng Lầu, một trong nhiều tổ chốt của Đồn Biên phòng Ngọc Côn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng chỉ cười đầy ẩn ý.

Trong tổ tuần tra ngày cận Tết Giáp Thìn này có Trung tá QNCN Trần Quang Kiên, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng Lũng Lầu, Thắng và tôi. Ở đoạn đường bằng, câu chuyện rất xôm, nào là bắt buôn lậu ma túy, nguyên liệu thuốc lá, rồi chuyện ngăn ngừa xuất, nhập cảnh trái phép...

Anh Kiên kể, tổ của anh có 4 người, được giao nhiệm vụ bảo vệ cột mốc 799-802 kéo dài gần 6km. Cột mốc xa nhất là 799 dài khoảng 5km đường núi, cao tới 782m so với mực nước biển. Một tuần, mỗi người trong tổ công tác của anh Kiên phải vượt hơn 30km đường đồi núi, đấy là chưa nói đi tuần đột xuất và kiểm tra trong đêm. Chuyện vui cùng màu sắc bắt mắt của hoa lá, cây cỏ khiến tôi như quên đi mệt nhọc.

Đến chỗ khe nước, con đường lên núi nhỏ hẹp bị tắc vì dựng đứng. Mũi, miệng tôi thi nhau thở; bắp chân, bắp đùi bắt đầu căng cứng và có dấu hiệu chùn gối. Binh nhất Lý Văn Thắng đưa tôi chai nước và nói, lên núi, anh vừa được thấy mốc thân yêu, lại còn được ngắm “vịnh Hạ Long” không mất tiền. Nghe thế, anh Kiên cười lớn vì người đồng đội nhỏ biết tếu. Tôi có thêm động lực vượt qua 3 lần nghỉ nữa để lên được cột mốc 800.

Tại cột mốc 800, anh Kiên chụp ảnh gửi về cho chỉ huy đơn vị và ghi biên bản. Tôi hướng mặt ra phía trước, nhìn xuyên qua mây trắng bồng bềnh, những ngọn núi xanh thẫm trong sương mờ đục đủ hình thù như bức tranh sơn thủy. Dòng Quây Sơn như dải lụa uốn lượn, len lỏi dưới chân các quả núi. Binh nhất Thắng nói đúng, phong cảnh nơi đây giống vịnh Hạ Long thu nhỏ, chỉ khác là ở trên cạn mà thôi. Lúc này, tôi cảm nhận thêm được tình yêu Tổ quốc của những người lính biên phòng như anh Kiên và Thắng. Nó rất đỗi tự nhiên và thân thuộc vì đã trở thành công việc thường nhật.

Ngồi nghỉ bên chân cột mốc 800, tôi nhớ đến hình ảnh Trung tá, Đồn trưởng Trần Thanh Bình tập tễnh lên xe đi Bệnh viện Đa khoa huyện Trùng Khánh điều trị. Mấy hôm trước, trong một buổi đi tuần và truy đuổi đối tượng buôn lậu nguyên liệu thuốc lá, không may anh Bình bị trượt ngã. Đá tai mèo sắc nhọn làm chân anh bị rách một vết phải khâu 9 mũi. Anh Bình phải truyền, uống thuốc kháng sinh liều cao để tránh nhiễm trùng. Nếu không có vết thương ấy, giờ này đố ai tìm được anh ở Đồn.

Anh nói với tôi, công tác tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới ở 3 xã biên giới: Ngọc Côn, Ngọc Khê và Đình Phong (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) luôn khiến các anh phải căng mình làm mà chưa hết việc. Nhiều việc cứ như trên trời rơi xuống, nếu không linh hoạt thì chỉ có nước chạy theo. Sau Tết Quý Mão 2023 ít ngày, liên tiếp xảy ra hai vụ cháy rừng trong đêm tại các cột mốc 798, 799 và khoảng giữa cột mốc 804 và 805. Đồn phải huy động người và phối hợp với lực lượng của địa phương mới ngăn chặn được. Hay như hồi cuối tháng 8-2023, tự nhiên nước dòng Quây Sơn dâng cao, chảy xiết, gây ngập úng cục bộ các xóm: Giộc Giao, Long Định, Bản Luông-Nà Sa của xã Đình Phong... Ngay trong đêm, BĐBP đã vận động người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm.

Đêm đó, do lạ nước lạ cái nên tôi khó ngủ. Dỏng tai, có lúc tôi nghe thấy tiếng động cơ xe máy đi và về. 3 giờ sáng, tôi thấy Trung tá Đinh Tiến Hóa, Phó đồn trưởng rời phòng nghỉ bên cạnh. Tôi bật khỏi chăn ấm, khoác vội chiếc áo phao to uỵch, lao ra cửa và xin đi theo. Anh nói như an ủi một đứa em trong nhà, không nên đi, bao giờ thuộc địa bàn, thuộc địa hình hãy nhập cuộc. Tôi đành quay vào nhà trong tiếc nuối.

5 giờ sáng, sau hiệu lệnh báo thức, tôi bước ra cửa phòng, trong ánh đèn vàng vọt, tôi nhận ra anh Hóa đã về tới doanh trại, mang theo cái lạnh của sương giá núi rừng. Chiếc mũ mềm dã chiến trên đầu anh loang loáng vệt thâm của nước. Anh kể với tôi, từ sau đại dịch Covid-19, Đồn vẫn duy trì 6 chốt chống dịch Covid-19 và 13 chốt, lán hoạt động 24/24 giờ, ngăn chặn công dân xuất, nhập cảnh trái phép, vượt biên sang bên kia biên giới vận chuyển nguyên liệu thuốc lá.

Địa bàn các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê và Đình Phong của huyện Trùng Khánh tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, vốn là thủ phủ vùng trồng nguyên liệu thuốc lá. Hằng ngày, các đối tượng tụ tập ở những nơi giáp với đường biên, chỉ chờ có cơ hội là tản ra và thực hiện hành vi phạm pháp. Hàng chục đối tượng đã bị bắt và xử lý; hàng tấn nguyên liệu thuốc lá bị thu giữ và tiêu hủy, nhưng vẫn chưa trị dứt điểm. Càng giáp Tết, công tác đấu tranh, ngăn chặn của BĐBP càng quyết liệt. Vì không chỉ thuốc lá, còn có cả pháo nổ cùng những hàng cấm khác.

Tiếng anh Kiên gọi trong gió ù ù, cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi. Anh bảo về thôi, còn việc khác đang đợi. Tôi lững thững theo anh trở lại con đường cũ. Mới xuống được vài phút đã không còn trông thấy bóng lưng áo dã chiến của Binh nhất Thắng. Anh Kiên nói, cậu ấy về trước để thực hiện một việc khác. Lên dốc đã khổ, xuống dốc khổ không kém. Anh Kiên chỉ dẫn, kinh nghiệm xuống núi là quay ngang bàn chân, bước ngắn. Phải mất 4 đến 5 lần ngã ngồi chùn sống lưng và ê mông, cuối cùng tôi cũng thuộc được bài anh chỉ. Giờ thì tôi đã hiểu nụ cười đầy ẩn ý của Binh nhất Thắng trước lúc lên đường.

Trở về Đồn Biên phòng Ngọc Côn, bên mâm cơm trưa có bát canh nóng, tôi chợt nghĩ đến những người lính nơi địa đầu Tổ quốc. Trên tuyến biên giới với Trung Quốc, tỉnh Cao Bằng nhiều cột mốc nhất, với 333,125km đường biên. Lúc nào, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của BĐBP tỉnh Cao Bằng cũng kiên cường, thầm lặng thực hiện nhiệm vụ, bất chấp khó khăn, hiểm nguy. Ví như Trung tá QNCN Trần Quang Kiên, đã hai năm nay anh chưa được về nhà ăn Tết cùng vợ con. Anh bảo, Tết năm nay cũng sẽ ở lại đón xuân biên cương.

Thời bình, có mấy ai thấu hiểu tâm tư và những việc làm thầm lặng của lính biên phòng? Tôi chợt nhớ đến tâm sự của một nhân viên kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính. Trong số những người vượt biên trở về, có những kẻ từng có tiền án, tiền sự, bị truy nã... BĐBP là những người đầu tiên phải xác minh, xử lý. Nếu để lọt một đối tượng xấu là tiềm ẩn cái ác cho xã hội.

Sau những ngày đắm mình và chứng kiến công việc căng như dây đàn của các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Cao Bằng, ngày chia tay những người lính vùng núi đá trùng điệp quanh năm mây mù sương phủ cũng là lúc cái rét tái tê tràn về. Trên con đường tỉnh 213 từ Cửa khẩu Pò Peo ra chợ Trùng Khánh, nhiều chàng trai, cô gái dân tộc Tày, Nùng, Dao và đồng bào đã đi sắm Tết trong những bộ trang phục sặc sỡ...
Mùa xuân đã cận kề lúc nào!


Theo Báo QĐND./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào: