KHÚC TRÁNG CA NHỮNG NGƯỜI LÍNH GIỮ BIỂN
Trên hành trình mang mùa xuân đến với Nhà giàn DK1, các tàu trực trên biển thuộc Vùng 2 Hải quân, tôi được chứng kiến những người lính hải quân công tác, sinh hoạt, học tập. Giữa trùng dương mênh mông, họ mạnh mẽ, can trường, hiên ngang, dạt dào sức sống. Họ như những cột mốc chủ quyền góp phần tạo nên dáng hình đất nước từ phía khơi xa.
“Biển trời bao la, đẹp như gấm hoa...”. Câu hát ấy thật ngọt ngào và lắng sâu khi ngợi ca về Tổ quốc. Góp phần dệt nên những “gấm hoa” ấy là những con người sẵn sàng hy sinh để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Dịp ra thăm các nhà giàn DK1, tôi cùng đồng đội được nghe, được hát khúc tráng ca tri ân những người lính giữ biển.
Những ngày đầu xuân mới, nắng ấm trải dài trên bờ biển biếc xanh. Cầu cảng Hải đoàn 129 (Quân chủng Hải quân) nhộn nhịp bóng người. Họ là những cán bộ, chiến sĩ hải quân chuẩn bị cho hải trình ra khơi làm nhiệm vụ. Trong phút giây luyến lưu có cái bắt tay thật chặt, nồng ấm của đồng đội, có cái ôm hôn thắm thiết của người thân. Tôi vui bước cùng người chiến sĩ, hân hoan xen chút hồi hộp lần đầu tiên với hành trình ra biển lớn.
Sóng vỗ thân tàu Trường Sa 04 (Hải đội 1, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân). Tàu kéo 3 hồi còi rộn rã rồi rẽ sóng để lại luồng nước tung bọt trắng xóa. Mênh mông biển biếc xanh. Trong ào ạt tiếng sóng, tiếng gió, dường như nghe đâu đây lời người xưa vọng về. Thuở mở cõi, những đoàn hùng binh đã cưỡi thuyền mộc, vượt ngàn khơi ra với đảo xa. Khi can qua, những con tàu không số lặng thầm và bí hiểm làm nên những kỳ tích trên sóng biển quê hương. Biển mặn ngàn năm vẫn vậy, mênh mang, hoang hoải.
Thiếu tá Nguyễn Duy Tuyên, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Vùng 2 Hải quân, có vóc người chắc đậm, da nâu đằm, miệng cười rạng rỡ thiện lành. Những tháng năm gắn bó với các con tàu đã khiến người cán bộ chính trị ấy vững vàng, am tường như một thủy thủ. Giản dị và chân thành, những chuyện anh kể như lời tâm sự với biển. Đứng trên mặt boong tàu, tôi khẽ thốt lên:
- Biển mênh mang sẽ xóa nhòa tất cả phải không đồng chí?
Lặng hồi lâu, anh diễn cảm:
- Không! Biển nặng tình nên ngậm mặn dưới đáy sâu. Bao lớp người đã qua lưu dấu tên mình trên biển biếc. Và biển ôm trọn nỗi đau vào lòng để nước muôn đời mặn chát, xót thương.
Tàu rùng mình, gối đầu lên sóng. Khi thì sóng đội lên cao 4-5m, lúc lại nhún xuống sâu hoắm khiến người ngồi trên mặt sàn phải nẩy lên, chao đảo, liêng biêng. Cái điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại hàng ngàn lần. Hơn 200 hải lý nhọc nhằn, tàu thả neo gần Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên. Sóng vươn cao ngạo nghễ như muốn thách thức. Tàu đứng đó lựa sóng khẽ chao phải rồi sang trái như cái lắc đầu mệt mỏi. Trên tàu, những đôi mắt nhìn biển trân trân. Gió ào ào như muốn bứt người xuống biển. Sóng bạc đầu trắng xóa gầm gừ, gào thét, phi nước kiệu phóng vào thân tàu.
Mặc sóng, kệ gió, các thành viên trong đoàn công tác khẩn trương làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ nằm lại giữa biển khơi. Lễ vật đủ đầy, khói hương ngan ngát. Tàu gióng 3 hồi còi. Cờ Tổ quốc, cờ hải quân được kéo lên trong tiếng nhạc "Hồn tử sĩ" trầm hùng. Trong lời tưởng niệm, Đại tá Trần Hồng Hải, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. Mỗi sự kiện, mỗi tên người được nhắc lại bi tráng.
Cách đây hơn 30 năm, Nhà giàn DK1/3 phải gồng mình đương đầu với cơn bão số 10 có sức giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông đêm 4, rạng sáng 5-12-1990. Dưới sự chỉ huy của Trung úy Bùi Xuân Bổng, Chỉ huy trưởng và Thượng úy Trần Hữu Quảng, Phó chỉ huy trưởng chính trị, bộ đội nhà giàn đã ra sức chống chọi với bão tố.
Ông Bùi Xuân Bổng (khi về hưu mang quân hàm Trung tá, nguyên Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/3; hiện đang ở phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kể lại: “Giữa đêm đen, cuồng phong ập xuống. Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người bí thư chi bộ động viên đồng đội sát cánh bên nhau. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ. Nhà giàn bị quật đổ, 8 cán bộ, chiến sĩ bị cuốn xuống biển. Giữa trận cuồng phong, Thượng úy Trần Hữu Quảng; Thượng úy QNCN Trần Văn Là, quân y; chiến sĩ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện đã anh dũng hy sinh”. Sau này công tác ở các nhà giàn khác nhau cho đến khi nghỉ hưu (năm 2019), ông Bổng vẫn không thể nào quên những đồng đội đã ra đi trong cái đêm khắc nghiệt, kinh hoàng ấy.
Thật là linh thiêng! Cứ ngỡ chúng tôi không thể đứng vững trên mặt hầm hàng thì biển bỗng thôi dậy sóng khi nghe lời khấn nguyện. Trời cũng ngưng những hạt mưa rơi. Phía trước là Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên vững chãi, sừng sững giữa biển. Hơn 15 năm trước, nơi đây, Nhà giàn DK1/6 đã phải gồng mình chống lại trận cuồng phong. Mùa biển động năm 1998, cơn bão số 8 tràn về kéo theo lốc xoáy. Gió vươn cao trùm lấy Nhà giàn DK1/6. Bấy nhiêu khung sắt, giá đỡ bị rung lắc dữ dội. Nhà giàn chao đảo nhưng bộ đội vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc. Bão tố thì hung tàn mà sức người thì có hạn, nhà giàn bị đổ. Có 9 đồng chí bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức nhưng chỉ cứu được 6 đồng chí. Còn 3 đồng chí gồm: Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng; Chuẩn úy QNCN Lê Đức Hồng, Chuẩn úy QNCN Nguyễn Văn An đã hòa mình mãi mãi vào sóng nước biển khơi.
Trong giờ phút hiểm nguy, Chuẩn úy QNCN Lê Đức Hồng cố gắng bám máy đến hơi thở cuối cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy. Khi nhà giàn bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” rồi ra đi giữa biển khơi. Còn Chuẩn úy QNCN Nguyễn Văn An ra đi để lại nỗi đau cho người vợ trẻ và cậu con trai nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố. 26 năm sau, có dịp liên lạc với anh Nguyễn Tiến Anh (con trai đồng chí Nguyễn Văn An, quê ở Ninh Bình), tôi được nghe những lời tâm sự chân thành: “Dẫu chưa một lần được gặp bố nhưng nghe chuyện kể lại, em vô cùng xúc động và tự hào về bố. Mỗi lần ra biển, em tưởng bố vẫn đứng đó, hiên ngang, vững chãi trên nhà giàn dõi theo từng bước em đi”.
Trong khói hương ngan ngát, Đại tá Trần Hồng Hải tiếp tục đọc lời khấn nguyện các liệt sĩ: Phạm Tảo, Lê Tiến Cường, Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền, Dương Văn Bắc. Các anh đã dũng cảm hy sinh thân mình khi thực hiện nhiệm vụ mà không chút do dự. Xin tạc lòng ghi nhớ công ơn cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã hóa thân vào sóng nước đại dương. Gương hy sinh của các đồng chí trở thành biểu tượng cao đẹp, tô thắm phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ hải quân. Giữa trập trùng biển nhớ, lời tưởng niệm bỗng vang lên trầm hùng, thiết tha: "Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/ Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/ Trong cơn hồng thủy phong ba/ DK1 bản hùng ca lưu đời"...
Tôi đứng bên mạn tàu nhẹ nhàng thả những bông cúc vàng theo sóng ra xa. Đứng kế bên, Thiếu tá Nguyễn Duy Tuyên khẽ trao một cánh hạc giấy trắng. Hàng ngàn con hạc trắng được gấp bởi đôi bàn tay các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Long Khánh (Đồng Nai) gửi đoàn công tác để tưởng niệm các liệt sĩ. Đó là lời tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với lớp người đi trước đã hy sinh vì Tổ quốc. Gió cuốn hạc giấy ra xa, hòa vào biển khơi, đem theo lời tâm tình của quê hương, nhẹ ru những người con nằm lại giữa trùng dương sóng vỗ: "Hương trầm quyện khói tỏa quanh/ Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương".
Cả đoàn thủy thủ và khách trên tàu đều xúc động, tưởng nhớ tri ân các liệt sĩ. Đã có những giọt nước mắt khẽ rơi hòa vào muối biển mặn mòi. Thế hệ hôm nay sẽ không bao giờ quên các anh-những con người bất tử trong lòng dân tộc. Chúng tôi sẽ mãi hát khúc tráng ca về các anh. Có mặt trong đoàn tưởng niệm, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Chính trị viên tàu Trường Sa 04 tâm sự: “Mỗi lần ra với nhà giàn hay thực hiện nhiệm vụ ngoài biển, ngang qua những nơi cán bộ, chiến sĩ hải quân nằm lại, chúng tôi đều thắp nén hương thơm tưởng nhớ công ơn các liệt sĩ, cầu mong hải lộ bình an, mọi sự hanh thông, thuận lợi”.
Giữa ào ạt sóng vỗ, các liệt sĩ vẫn được những người lính biển gọi tên. Tổ quốc ghi công, Biển Đông không bao giờ xóa nhòa. Linh hồn các anh neo lại nơi đây để chở che cho những con tàu vươn khơi mạnh mẽ, để các nhà giàn luôn vững chãi giữa trùng khơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét