Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Kiên quyết, kiên trì trau dồi Tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa

 

Kiên quyết, kiên trì trau dồi Tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa


Tư tưởng cộng sản có vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng cũng như đối với từng cán bộ, đảng viên. Ngày 8-6-1959, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Người nêu rõ: “Cải tạo xã hội cũ xấu xa trở thành xã hội XHCN tốt đẹp là một sự nghiệp rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Muốn làm được sự nghiệp ấy, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần có ý thức giác ngộ XHCN cao, một lòng một dạ phấn đấu cho CNXH”.

Kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng, tháng 2-1969, trong tác phẩm nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Hồ Chí Minh đã đưa ra những vấn đề cơ bản, cụ thể, rất thiết thực trong phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, Người chỉ rõ: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Để giữ vững tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, phòng, tránh có hiệu quả sai phạm, khuyết điểm, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, chúng ta cần chú ý thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp, trong đó có những biện pháp sau đây:

Chủ động, tích cực rèn luyện tu dưỡng tư tưởng cộng sản, đạo đức cách mạng, phòng, chống, loại trừ chủ nghĩa cá nhân một cách liên tục, thường xuyên, tự giác, kiên trì như rửa mặt hằng ngày cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các cấp, các ngành; huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng đoàn kết, thống nhất để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phát huy vai trò quan trọng của tập thể tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong việc xây dựng, tạo ra môi trường tốt đẹp để mọi người cùng rèn luyện, phấn đấu. Thường xuyên tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động để cán bộ, đảng viên và quần chúng rèn luyện, phấn đấu.

Duy trì đều đặn, có chất lượng việc quản lý, giáo dục, khen thưởng, kỷ luật, tự phê bình và phê bình. Thực tế cho thấy ở đâu làm tốt công tác quản lý, giáo dục, tự phê bình và phê bình thì ở đó sẽ thật sự nâng cao được hiệu quả chất lượng chính trị tư tưởng và đạo đức tư cách cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Mọi cán bộ, đảng viên phải “nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình” và trong đó “trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước”./

Không có nhận xét nào: