SỰ LỆCH LẠC CỦA CÂU CHUYỆN NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM
Vừa qua, trên mạng Internet, nhiều diễn đàn phản động phát tán bài viết: Hậu quả của kiểu “ngoại giao đổi chác” của Đài Châu Á Tự do RFA vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Bài viết cho rằng, “nhân quyền của Việt Nam năm 2023 tiếp tục tồi tệ đi” bởi “quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại và tôn giáo” bị đàn áp một cách có hệ thống. Đây là nhận định sai lệch, nhằm mục đích hạ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng thế giới. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, đề cao tinh thần cảnh giác, nhận diện đúng bản chất của những luận điệu này, để không bị mắc mưu của các thế lực thù địch.
Thứ nhất, tại điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật tiếp cận thông tin năm 2016 đã nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.
Điều 11, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định rõ công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Những nội dung này hoàn toàn phù hợp với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của báo chí. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam với những quy định và chế tài rất rõ ràng, cụ thể để nghiêm trị những hành vi lợi dụng quyền tự do thông tin để chống phá đất nước. Bộ Luật Hình sự với điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; điều 155 “Tội làm nhục người khác”, điều 156 “Tội vu khống”; điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ngoài ra, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018, đều quy định rõ những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… đều bị pháp luật xử lý.
Ở Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật; tung tin giả, tin “xấu độc” hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận… mới bị xử lý theo pháp luật. Đây cũng là biện pháp của Nhà nước Việt Nam để bảo vệ người dân trước những thông tin bịa đặt, sai sự thật, kích động thù hận…, đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền tiếp cận những thông tin chính xác cho công dân. Điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của nhiều nước.
Rõ ràng, bức tranh hiện thực về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại, tôn giáo và tự do báo chí ở Việt Nam là thực tế khách quan, không ai có thể phủ nhận được. Giọng điệu Đài Á Châu tự do RFA về tình hình nhân quyền và quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại và tôn giáo bị đàn áp là bịa đặt, vu khống nhằm mục đích xấu. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét