Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

XÂY DỰNG VĂN HÓA "MẠNG"

 XÂY DỰNG VĂN HÓA "MẠNG"

Trong thời đại 4.0, mạng xã hội dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của hết thảy người dân hầu như trên toàn thế giới. Nó đã làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Các mối quan hệ xã hội từ chính trị đến kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá, nghệ thuật đều được tác động, thúc đẩy.

Sự thay đổi có mặt thuận và mặt không thuận, nếu biết khai thác, phát huy những lợi thế ưu việt của thông tin từ mạng xã hội này thì người dân và quốc gia có thêm điều kiện hội nhập, phát triển, nếu không sẽ có những tác động tiêu cực và để lại nhiều hệ lụy khôn lường.

Trên thế giới hiện đang tồn tại hàng triệu website có nội dung không lành mạnh, thậm chí độc hại ảnh hưởng rất xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi người và cả cộng đồng, đã gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống văn hóa, xã hội khi cộng đồng mạng sử dụng trang cá nhân như một thế giới tự do phát ngôn, tự do cung cấp thông tin, hình ảnh không được kiểm soát, cả những phát ngôn bốc đồng nông nổi bất chấp hậu quả. Từ đó, đạo đức bị băng hoại, văn hoá bị tầm thường hoá, méo mó, an toàn xã hội bị đổ vỡ… Đó là chưa nói đến những ảnh hưởng bất lợi khác về chính trị, kinh tế do một số website cố tình hay vô tình gây ra.

Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các website xấu chủ yếu là thanh, thiếu niên, vì họ chưa được trang bị đầy đủ tri thức và kinh nghiệm về cuộc sống, xã hội. Sự ham hiểu biết của tuổi trẻ nếu không được hướng dẫn sẽ bị các thông tin từ trang "website đen" đánh lừa, chinh phục.Rất nhiều vụ việc, vụ án đã có căn nguyên từ ảnh hưởng của lối sống buông thả và bạo lực trên các website.

Đây là điều chúng ta đã biết từ lâu. Để góp phần bảo vệ thế hệ trẻ và toàn xã hội khỏi bị ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội, ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Mỗi người phải hiểu rằng một khi đã mở lòng mình ra trên thế giới ảo thì cũng phải đến với mọi người bằng tâm thế thiện chí, chân thật; phê phán vấn đề, hiện tượng cũng cần mang tính phản biện, xây dựng chứ không phải buông tuồng tùy tiện, nói gì thì nói. Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào đều có một điểm chung bắt buộc là các quyền tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ pháp luật, những ý kiến phát biểu có trách nhiệm và đúng sự thật.

Nhiều nước trên thế giới, chỉ cần bôi bác, vu khống người khác trên mạng là có thể bị ra tòa. Tất nhiên, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến nhưng mọi thứ đều phải dựa trên nguyên tắc xây dựng, tự do nhưng cũng phải trong vòng kiểm soát của pháp luật. Một khi những quy định của phát luật không điều chỉnh theo kịp với sự phát triển của xã hội, không thay đổi cách thức quản lý thì tất yếu sẽ có những rối loạn.

Chúng ta rất cần hình thành một văn hoá cộng đồng mạng, xác lập được những chuẩn mực, giá trị trong quá trình sử dụng internet, bao gồm cả mục đích, lợi ích, hiệu quả thiết lập mạng và khai thác, các quan hệ ứng xử… Đây là phương tiện hữu ích để mỗi người dân có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, nêu gương người tốt, việc tốt để mọi người học tập và làm theo; hoặc phản ánh những tiêu cực, bất hợp lý, những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân để cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý theo quy định pháp luật.

Mỗi người dân chúng ta cần phải sáng suốt nhận biết và hiểu đúng về "tự do ngôn luận" và "ngôn luận tự do" để không rơi vào "bẫy" của những kẻ bất mãn, có quan điểm thù địch, vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá; cảnh giác với những thông tin xấu độc, không chia sẻ bừa bãi trên mạng xã hội một cách vô cảm, để rồi có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa, thậm chí vô tình vi phạm pháp luật.

Hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, trước nhất vẫn là cần ở ý thức cá nhân của mỗi người. Những ý kiến đóng góp, phản ánh của cộng đồng mạng phải đúng, chân thành, mang tinh thần xây dựng, vì lợi ích chính đáng của đất nước, của người dân, dần hình thành những tập quán mới, đúng đắn, phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức dân tộc hướng đến chân, thiện, mỹ trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả những thông tin từ internet./.

Không có nhận xét nào: