CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM
Suy diễn, xuyên tạc nền tư pháp Việt Nam là thủ đoạn không mới nhưng rất nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm kích động, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và đặc biệt là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Gần đây, trên nhiều diễn đàn phản động, kẻ có bút danh Cát Tường phát tán bài Giấc mơ độc lập … chính trị. Với dã tâm thâm độc, nham hiểm Cát Tường suy diễn, xuyên tạc trắng trợn, dẫn dắt dư luận bằng thủ đoạn phân tích, dẫn chứng, so sánh nền tư pháp của Việt Nam với Hoa Kỳ, rồi hồ đồ cho rằng: Ở Việt Nam “Độc Đảng dẫn đến độc tôn nên tư pháp khó thể độc lập”; “Quyền lực của Bí thư Đảng đã cản trở tư pháp độc lập”; “Thẩm phán buộc phải nghe theo lời Bí thư chi bộ Đảng cấp cơ sở cho đến cấp ngành, và dĩ nhiên là theo khuôn phép cao nhất của Đảng cấp trên nhất là Bộ Chính trị”… Chúng ta dễ dàng nhận ra mưu đồ của Cát Tường và đồng bọn không ngoài mục đích đòi “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lãnh đạo nhà nước, trong đó có lãnh đạo cơ quan thực hiện quyền tư pháp trên các mặt hoạt động như: Đảng hoạch định và đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về cải cách tư pháp, tạo hành lang cơ sở chính trị để tòa án hoạt động; Đảng lựa chọn, giới thiệu, bố trí cán bộ của Đảng làm nòng cốt trong các cơ quan tòa án và lãnh đạo việc xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án; Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan tòa án; Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua các tổ chức cơ sở do Đảng thành lập trong các cơ quan tòa án từ Trung ương đến địa phương và các đảng viên làm việc trong các cơ quan tòa án. Đảng lãnh đạo công tác xét xử của tòa án nhưng Đảng không làm hộ, làm thay hoặc can thiệp vào công việc nội bộ xét xử của tòa án, bởi một trong những nguyên tắc cơ bản và làm nền tảng cho hoạt động xét xử của tòa án là nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc này là yêu cầu đòi hỏi của nền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây vừa là sứ mệnh lịch sử vừa là vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Tính độc lập của tư pháp được coi là một nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp năm 2013 quy định về tính độc lập của tư pháp hay nguyên tắc xét xử độc lập có nội dung mới so với các bản hiến pháp trước đó là thẩm phán, hội thẩm độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho tới khi kết thúc phiên tòa. Việc quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm trong công tác xét xử là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử của thẩm phán và hội thẩm. Thẩm phán, hội thẩm không bị phụ thuộc vào yêu cầu, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, không phụ thuộc vào ý kiến của Ban cán sự Đảng Tòa án cấp trên. Trong quá trình xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập từ việc nhận định vụ án, diễn giải pháp luật, quyết định áp dụng pháp luật và ra bản án. Các cá nhân, tổ chức Đảng không được can thiệp, tác động tới các thành viên của Hội đồng xét xử để buộc họ phải xét xử theo ý chí của mình. Mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án đều bị coi là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới tính khách quan của hoạt động xét xử. Trong tất cả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, điều này cho thấy chúng ta không thực hiện “tam quyền phân lập” trong thiết kể tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước Việt Nam nhưng chúng ta kế thừa những hạt nhân hợp lý trong lý thuyết “tam quyền phân lập” để thiết kế và tổ chức bộ máy nhà nước của mình, giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau.
Tất cả các chiêu trò, thủ đoạn của Cát Tường chỉ là những luận điệu xuyên tạc, suy diễn nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước cần nhận thức rõ về chiêu trò này và kiên quyết lật tẩy, đấu tranh, phản bác. Đồng thời, cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cơ hội chính trị, phản động cực đoan; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét