ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN – TƯ TƯỞNG TIẾN BỘ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Lợi dụng việc Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực thù địch đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc Luật đất đai ở Việt Nam. Vừa qua, trên Bloger của “Vietnamthoibao”, bút danh Người Tân Định có bài viết: “Cộng sản sẽ không còn là cộng sản”, cho rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hạn chế quyền sử dụng; tước quyền sở hữu đất đai của người dân và việc bồi thường thu hồi đất là cộng sản đang thâu tóm đất đai để làm giàu bất chính. Thực tế, Người Tân Định đang cố tình không hiểu tình hình quản lý đất đai ở Việt Nam.
1. Đất đai là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ quốc gia, được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với chiều dài lịch sử. Đây chính là thành quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài của cả dân tộc, là công sức, xương máu của các thế hệ người Việt Nam, cho nên không thể để cho một tầng lớp hay nhóm người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì đất đai của quốc gia phải thuộc sở hữu của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của nhân dân. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều 54 quy định: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai và Điều 4 Luật đất đai năm 2013 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, có thể khẳng định, đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, tất cả người dân Việt Nam thực hiện quyền sở hữu của mình thông qua người đại diện là Nhà nước. Người dân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu riêng đối với đất đai. Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất đều là các hoạt động trao quyền sử dụng đất từ Nhà nước cho người sử dụng nhằm bảo đảm cho đất đai được phân phối và phân phối lại cho các đối tượng sử dụng hợp pháp, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, tiến đến thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu đa dạng hóa, tư nhân hóa sở hữu đất đai có thể gây ra những rối ren chính trị – xã hội, khó lường trước hậu quả, đe dọa mục tiêu phát triển đất nước, chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Luật Đất đai năm 2013 quy định việc bồi thường thu hồi đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Đồng thời, được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm…Việc bồi thường và hỗ trợ phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, mức bồi thường thu hồi đất được tính trên bảng giá đất do các tỉnh, thành ban hành dựa trên khung giá đất. Vì thế, tiền bồi thường được cho là chưa tương xứng với giá thị trường dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp kéo dài. Để chống tiêu cực và bảo đảm quyền lợi cho người dân khi bị thu hồi đất dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chuẩn bị thông qua quy định: bỏ khung giá đất áp dụng đền bù giá đất theo giá cả thị trường sẽ giúp vấn đề bồi thường khi bị thu hồi đất được thỏa đáng hơn, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng và tiến độ của các dự án cũng đẩy nhanh hơn; hạn chế hiện tượng đầu cơ đất đai; người dân có nhu cầu mua nhà, đất để ở sẽ có cơ hội mua đúng giá hơn, tránh được tình trạng giới đầu cơ ôm đất thổi giá. Bên cạnh đó, Luật Đất đai quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại. Như vậy, với Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung khi được thông qua sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người dân; chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc các thế lực thù địch bôi nhọ, vu cáo, trắng trợn, xuyên tạc Luật Đất đai, là đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và lợi ích nguyện vọng, chính đáng của nhân dân ta. Do đó, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh vạch rõ bộ mặt phản động của chúng để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét