Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Bác bỏ luận điệu sai trái của Thạch Đạt Lang

 

Bác bỏ luận điệu sai trái của Thạch Đạt Lang


Một trong những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng xem đây là mũi nhọn đột phá hòng xoá bỏ thành quả cách mạng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng lái Việt Nam phát triển theo quỹ đạo tư bản Chủ nghĩa. Để thực hiện dã tâm, mưu đồ đen tối ấy, các thế lực thù địch thường xuyên đưa ra những lý lẽ, luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò và hạ thấp uy tín của Đảng. Mới đây, các trang mạng phản động đã phát tán bài viết “Người cộng sản Việt Nam thiên tài” của Thạch Đạt Lang. Y lộng ngôn rằng: “Cộng sản Việt Nam mà thiên tài cái gì?” Họ không bao giờ muốn cho người dân có được cuộc sống hạnh phúc, bình yên… Đây là luận điệu sai trái, vô căn cứ, xuyên tạc hết sức nguy hiểm cần phải lên án và đấu tranh bác bỏ.

1. Thực tế lịch sử đã chứng minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam là ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả tất yếu của sự kết hợp, chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Từ đây, cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài nhiều năm đã chấm dứt, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam-thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa – xã hội có bước phát triển. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Dân chủ được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, quản lý của Nhà nước, tin tưởng vào công cuộc đổi mới và triển vọng đi lên của đất nước. Những thành tựu đó đã minh chứng sinh động khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

2. Đảng và Nhà nước ta luôn kiên quyết, kiên trì, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra, tham nhũng, lãng phí, là một trong những nguy cơ đe dọa đến tồn vong của chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Quan điểm nhất quán của Đảng là kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều đó thể hiện rõ quyết tâm chính trị lớn lao, dù khó khăn, lâu dài nhưng vẫn không chùn bước trước “nạn giặc nội xâm”. Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã khẳng định, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, vấn đề “gốc” phải làm từ cán bộ và công tác cán bộ. Gần đây nhất, lần đầu tiên 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được nhận diện trong Quy định 131. Tương tự như vậy, 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong Quy định 132. Những quy định này là cần thiết và kịp thời nhằm răn đe, chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa và cũng là minh chứng khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong thực hiện những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Ở Việt Nam không có bóc lột, hành hạ, trấn áp người dân

Ở Việt Nam quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam, được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định, bảo đảm và bảo vệ. Mọi người dân đều có quyền bày tỏ ý kiến, trong đó có những người có ý kiến khác, thậm chí trái chiều với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những cá nhân bất đồng chính kiến được trao đổi, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có quan điểm, nhận thức khác nhau để đi đến thống nhất. Trong đối thoại, trao đổi trực tiếp với các cá nhân bất đồng chính kiến, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện trên tinh thần: cầu thị, khách quan, bình đẳng, dân chủ, cởi mở, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe, không định kiến với cá nhân, tạo tâm lý tích cực và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở… Không có chuyện bắt giam, bỏ tù những người bất đồng chính kiến như luận điệu của Thạch Đạt Lang và một số hãng truyền thông phương Tây rêu rao. Những người bị bắt, truy tố, xét xử đều là những tội phạm hình sự, đã hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, kích động lật đổ chính quyền, suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất mãn, “trở cờ”, đã quay lưng lại với Đảng, với dân tộc và nhân dân.

Trước những luận điệu xuyên tạc của Thạch Đạt Lang và những kẻ cơ hội, phản động, vấn đề quan trọng hàng đầu là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội cần nâng cao bản lĩnh, trí tuệ để nhận diện và vạch trần bản chất của các luận điệu ấy. Đồng thời, vận dụng sáng tạo các hình thức đấu tranh, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào: