Đấu tranh với luận điệu tính “chính danh” của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Mới đây, trên trang mạng “Rfavietnam” đăng bài viết: Có bao giờ ĐCSVN tự đặt cho mình câu hỏi: “Tính chính danh” bắt đầu từ đâu?. Với luận điệu hết sức phản động, chứa đựng nhiều mẫu thuẫn đánh giá, nhận xét mang tính hồ đồ, chủ quan, áp đặt, khi cho rằng: “Với não trạng độc tài – toàn trị, bất cứ ai dám nêu vấn đề ấy ra, dù bất kể ở đâu, trong tổ chức Đảng hay ngoài xã hội dân sự, thay vì tìm hiểu căn nguyên vấn đề…”
1. “Chính danh là một khái niệm chính trị – đạo đức, có nghĩa là làm cho đúng danh xưng, danh phận, khiến cho danh và thực phù hợp với nhau. Khái niệm chính danh xuất hiện trong thiên “Tử Lộ”, sách “Luận Ngữ”, với lời của Khổng Tử chủ trương về công việc chính trị “tất phải chính danh trước”, nghĩa là “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con. Cần tuân thủ chính danh đó để duy trì trật tự thống trị”. Theo Khổng Tử, mỗi vật, mỗi người sinh ra điều có một địa vị, công dụng nhất định, ứng với mỗi địa vị, công dụng đó là “danh” nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại cũng đều có danh hợp với nó, nếu không, danh sẽ không hợp với thực, là loạn danh. Chính danh nghĩa là danh và thực phải phù hợp với nhau.
Ở Việt Nam, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có nhiều đảng chính trị hoạt động với những ý thức hệ khác nhau, nhưng cùng mục đích giải phóng dân tộc. Các đảng hoạt động sôi nổi, nhưng không tập hợp được quần chúng, chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào quần chúng mới trở nên mạnh mẽ bởi có lực lượng dẫn đường, chỉ lối đúng đắn. Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thời kỳ Đảng tuyên bố tự giải tán để rút vào hoạt động bí mật. Nhưng thực chất Đảng vẫn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quốc hội khóa I của Việt Nam có sự tham gia của nhiều thành phần đảng phái khác nhau: Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội… Việc Đảng gánh vác sứ mệnh lãnh đạo không phải là vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam muốn hay không muốn, mà là sự lựa chọn của lịch sử. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chọn Ðảng Cộng sản Việt Nam thì Ðảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo.
2. Thực tế trên thế giới, bất kỳ một đảng chính trị nào cũng mong muốn kiểm soát quốc hội, kiểm soát chính phủ, chính vì thế mà ở các nước phương Tây, nơi mà các thế lực chống phá Việt Nam luôn coi là “thiên đường”, khi một đảng trở thành đảng cầm quyền thì cũng là lúc thành lập nội các mới. Đảng chính trị nào cũng mong muốn chính sách của mình được quốc hội thể chế hóa thành luật để thực thi trong cả nước. Thế mới dẫn đến chuyện phân chia “ghế” trong chính phủ giữa các đảng phái. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, vì đa số đảng viên được cử tri bầu thành đại biểu Quốc hội, đó cũng là điều hoàn toàn bình thường. Vấn đề một đảng hay đa đảng không phải là thước đo đánh giá dân chủ hay tự do của một quốc gia, mà đó là sự lựa chọn của dân tộc. Luật sư Hoàng Duy Hùng từng là người “chống cộng cực đoan” đã nhận xét: “Đối với văn hóa, lịch sử, địa – chính trị, bối cảnh đặc biệt của Việt Nam thì thể chế đơn đảng là tốt nhất. Ðơn đảng thì đảng nào đây, đảng nào có bề dày lịch sử, đã có sự hy sinh, được lòng dân như Ðảng Cộng sản Việt Nam?”. Cũng không phải vô cớ mà ông Mamdouh Habashi – Trưởng Ban Quan hệ quốc tế của Đảng Liên minh nhân dân xã hội chủ nghĩa Ai Cập – cho rằng: “Nền chính trị Việt Nam, với Đảng Cộng sản là chính đảng duy nhất cầm quyền, là một mô hình thành công đặc biệt”.
Với những thành quả to lớn trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân ghi nhận, được lịch sử thừa nhận và quốc tế công nhận. Đó là sự khẳng định rõ ràng nhất, xác đáng nhất, tuyệt nhiên không thể phủ nhận hoặc nghi ngờ tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ chính danh, sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam còn rất chính đáng và chính nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét