Không thể xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Với chủ trương, chính sách đúng đắn, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn những tiếng nói lạc điệu, cố tình phớt lờ thực tế đó, ra sức xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như kết quả về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bài viết “Nghị quyết 36 về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một mốc son trong đời công tác của tôi” đăng trên các trang mạng xã hội, Nguyễn Đình Bin đã đưa ra những quan điểm phiến diện, không khách quan, phủ nhận thành tựu trong hòa hợp, đoàn kết dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng khi cho rằng “đất nước ta chưa hòa giải, hòa hợp được dân tộc”, “nguyên nhân của những hạn chế đó.. là do Đảng không đổi mới, độc quyền”… Đây là những luận điệu sai trái hòng cản trở quá trình hòa hợp, đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với người Việt Nam ở nước ngoài góp phần hòa hợp, đoàn kết dân tộc.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài; luôn coi kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đánh giá cao những đóng góp của kiều bào đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, đề ra đường lối, chính sách đúng đắn đối với người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi thành lập nước (năm 1945), Đảng, Chính phủ coi trọng việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đã vận động, kêu gọi nhiều trí thức kiều bào ở nước ngoài về nước tham gia kháng chiến, cùng với toàn thể dân tộc thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, trong các kỳ đại hội, Đảng ta đều đánh giá cao vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đề ra các chủ trương, chính sách vừa phát huy nguồn lực của kiều bào, vừa hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế, hội nhập xã hội ở nước sở tại và tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Đảng ta đã có nghị quyết riêng về người Việt Nam ở nước ngoài: Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 45-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 và ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ; đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” cùng nhiều hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng khác.
Thực tế đó cho thấy, tư duy về công tác người Việt Nam luôn được Đảng ta đổi mới qua các thời kỳ lịch sử, góp phần phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chứ không phải “không đổi mới” như sự xuyên tạc của Nguyễn Đình Bin.
Thứ hai, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng.
Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được kết quả tích cực, mặc dù sống xa Tổ quốc, nhưng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, lao động, học tập ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Có khoảng 385 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội. Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng (năm 2023 là 16 tỷ USD tăng 32,5% so với năm 2022). Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư; góp phần giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân; thúc đẩy vai trò cầu nối giao thương của người Việt Nam ở nước ngoài trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Hằng năm, có khoảng 300 – 500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước và tham gia tích cực hoạt động khoa học – công nghệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thực tế trong các vấn đề xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển đất nước.
Cùng với đó, vai trò, vị thế, uy tín của người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao. Đại bộ phận người dân đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sau rộng trong tất cả các lĩnh vực; tích cực bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng caop vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế sinh động đó, chứng tỏ công tác người Việt Nam ở nước ngoài những năm qua đã đạt được kết quả tích cực góp phần hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc, hướng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chứ không phải đất nước không có hòa hợp, đoàn kết như sự xuyên tạc của Nguyễn Đình Bin.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là minh chứng thực tiễn xóa bỏ những mối nghi hoặc, những luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét