Người ta ví điều dưỡng viên như “làm dâu trăm họ”. Bởi điều dưỡng viên là người thực hiện công việc chăm sóc bệnh nhân, kết nối người bệnh với bác sĩ. Họ là người gắn bó, đồng hành giúp người bệnh vượt qua những cơn đau của bệnh tật, sự mệt mỏi về tinh thần, đau đớn thể xác trong quá trình điều trị. 

Nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng

Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: PHẠM LINH

 Ngày Quốc tế điều dưỡng (12-5) năm 2024, Sở Y tế TP Hà Nội đã lựa chọn chủ đề “Điều dưỡng Hà Nội-Tương lai sức khỏe Thủ đô” để mọi người có thể hiểu, ghi nhận những hy sinh và đóng góp của lực lượng điều dưỡng, tạo nên một môi trường y tế chuyên nghiệp, tin cậy và bảo đảm sự an toàn cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Hà Nội: Công tác điều dưỡng của ngành y tế Hà Nội được triển khai thực hiện tại hai khối y tế công lập và ngoài công lập với tổng số nhân lực điều dưỡng toàn ngành là hơn 14.100 người, trong đó khối bệnh viện là gần 11.400 người, trung tâm y tế là hơn 2.700 người. Trong suốt thời gian qua, Sở Y tế TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và của ngành về công tác điều dưỡng.

Hiện 100% bệnh viện công lập có phòng điều dưỡng, kiện toàn hội đồng điều dưỡng, xây dựng quy chế hoạt động, ban hành các hướng dẫn, quy trình điều dưỡng. 100% đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm ưu tiên triển khai các nội dung chuyên môn nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc người bệnh; nâng cao y đức, đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên và thực hiện tốt quy định về giao tiếp ứng xử, thay đổi tác phong, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Qua kết quả khảo sát trong quý IV-2023 của các bệnh viện thì tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh ngoại trú là 95,74%, người bệnh nội trú là 97,07%.

Năm 2024, ngành y tế Hà Nội từng bước đầu tư và ưu tiên các mục tiêu chiến lược cho công tác điều dưỡng, bao gồm: Đào tạo nâng cao năng lực nghề nghiệp điều dưỡng; phát triển hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các đơn vị Trung ương, đơn vị chuyên khoa, giữa các đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế về hoạt động điều dưỡng; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác điều dưỡng; đầu tư, quan tâm hơn nữa đến sự an toàn và sức khỏe của điều dưỡng. Từ đó tạo ra môi trường làm việc năng động, hiện đại và chuyên nghiệp, đổi mới phong cách, giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh để cùng xây dựng và phát triển hệ thống điều dưỡng của TP Hà Nội ngày càng vững mạnh.