Con số 50.000 nhân lực đầy thách thức

Bán dẫn đang thay đổi và định hình thế giới. Nó đã, đang và sẽ có mặt trong mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Sớm nhận định được điều này nên trong Kết luận số 64-KL/TW ngày 18-10-2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế-xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu: "Tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".

Theo nhiều chuyên gia, đây là con số đầy thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu thiếu hụt lớn nguồn nhân lực bán dẫn, kể cả những quốc gia phát triển hay các tập đoàn công nghệ lớn. Theo công ty phân tích dữ liệu McKinsey & Company, từ năm 2018 đến 2022, số lượng tin tuyển dụng về vị trí kỹ thuật bán dẫn đã tăng tới hơn 75%. Số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ cũng cho thấy, nước này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên bán dẫn lành nghề vào năm 2030.

Tận dụng cơ hội phát triển nhân lực ngành bán dẫn
Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Phenikaa về bán dẫn. Ảnh: CẨM LỆ 

Trong Hội thảo "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sự thiếu hụt này chủ yếu là trong ngắn và trung hạn. Việt Nam có thể đáp ứng nhanh trong cả ngắn, trung và dài hạn về nhu cầu nhân lực bán dẫn toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn và có Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là một lợi thế của chúng ta.

Ngoài ra, Việt Nam còn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9-2023. Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung...) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

Hiện thực hóa cơ hội

Nhận thức được cơ hội này, trong số các ngành học mới năm nay, các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch bán dẫn... được nhiều trường hướng tới. Trong đề án tuyển sinh, nhiều trường đại học dự kiến mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một số trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng...

Từ năm học 2024-2025, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh mới hai chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói. Theo PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng nhà trường, các trường đại học không đứng ngoài dòng chảy đang diễn ra mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn. Các trường có thể tuyển mới để đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong khoảng một đến hai năm cuối... để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Phú Khánh thông tin, trường thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn với mục tiêu lâu dài góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế. Trường cũng có cả công ty bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) nhằm gắn đào tạo với thị trường.

Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhân lực cho các công đoạn của ngành công nghiệp này, chứ không chỉ riêng thiết kế chip. TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gợi ý, các bạn trẻ có cơ hội việc làm trong tương lai ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn nếu lựa chọn ngành học cơ bản liên quan tới hóa, vật lý kỹ thuật, vi điện tử, điện tử viễn thông... sau đó vừa học thêm vừa làm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi với phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số. Chip bán dẫn là một thành phần đầu vào của thiết bị điện tử. Nếu chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc đầu ra, phụ thuộc vào người mua chip là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Các nước đã hóa rồng, hóa hổ thì chưa có nước nào không có ngành công nghiệp điện tử phát triển. Công nghiệp điện tử đang có làn sóng mới là trí tuệ nhân tạo (AI). Đưa chip bán dẫn vào các thiết bị điện tử tiêu dùng cuối thế kỷ 20 đã tạo ra Nhật Bản hóa rồng, vậy đưa chip AI vào các thiết bị điện tử sẽ tạo ra quốc gia nào hóa rồng? Phát triển công nghiệp điện tử chính là tạo đầu ra cho bán dẫn. Ngành công nghiệp điện tử lớn gấp 5-6 lần ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp chuyển đổi số thì còn lớn hơn rất nhiều.