Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM CỦA PHẠM TRẦN

 

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM CỦA PHẠM TRẦN

Từ trước đến nay, các tổ chức, cá nhân có thâm thù với Việt Nam luôn tìm mọi cách xuyên tạc tình hình đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có quyền tự do báo chí của nhân dân. Bài viết “Vai trò của báo chí ở Việt Nam” đăng trên “Boxitvn” của Phạm Trần mới đây là một ví dụ.

Trong bài viết, Phạm Trần cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam không có quyền tự do báo chí. Song, thực tiễn ở Việt Nam lại cho thấy, quyền tự do báo chí của nhân dân được Đảng, Nhà nước nhận thức sâu sắc, có chủ trương, chính sách phù hợp, được thực thi triệt để và mở rộng.

Nhận thức sâu sắc và tiếp thu triệt để Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã xây dựng hệ thống Hiến pháp năm 1946, Hiến định tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,…. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 đã quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Điều 13 nêu: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đồng thời, khoản 2 Điều 13 Luật này quy định rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”…

Những văn bản pháp quy kể trên đã phản ánh đầy đủ nhận thức, cam kết tôn trọng, quyết tâm thực thi triệt để Luật pháp quốc tế về quyền tự do báo chí của Việt Nam.

Thực tiễn gần 100 năm qua, quyền tự do báo chí được Việt Nam thực hiện triệt để theo đúng quy định của Luật pháp quốc tế và ngày càng mở rộng, phát triển. Đến nay, cả nước có 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; có 47 đơn vị hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, sản xuất 62 kênh truyền hình trả tiền… Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người với 19.356 người được cấp thẻ nhà báo. Về quyền tự do internet, sử dụng mạng xã hội, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam có hạ tầng 3G/4G đã phủ 99,8% dân cư và internet cáp quang đã truyền đến 98% số phường, xã; số người dùng internet là 72,1 triệu người, chiếm 73,2% dân số cả nước, đứng thứ 12 thế giới, thứ 6 Châu Á. Số người dùng mạng xã hội là hơn 70 triệu, bằng 89% dân số từ 18 tuổi trở lên… Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo; Hãng thông tấn Asia, Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Rossiya Segodnya (Nga)… Với lực lượng làm báo hùng hậu như trên, đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra hết sức nhộn nhịp, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. Trong những năm gần đây, báo chí đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Nhiều giải báo chí toàn quốc, như: Giải Báo chí quốc gia; Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng); Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại; Giải Báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,… được tổ chức hằng năm là dịp để các nhà báo nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp trong làm báo, đồng thời phản ánh hoạt động báo chí ở Việt Nam rất tự do, phong phú và sôi động.

Những thống kê trên chưa thật đầy đủ, nhưng đã thể hiện rõ ràng và sinh động về quyền tự do báo chí của nhân dân Việt Nam; thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta.

Như vậy, những luận điệu của Phạm Trần là hoàn toàn phi thực tế, nó đã bóp méo, xuyên tạc sự thật về quyền tự do báo chí ở Việt Nam, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, hòng xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trò xuyên tạc sự thật, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí chẳng có gì mới, vẫn là việc làm thường xuyên của các thế lực thù địch. Dẫu có núp dưới hình thức nào, với chiêu trò chính trị ra sao thì những kẻ như Phạm Trần cũng bị nhân dân Việt Nam nhận diện và kiên quyết lên án, đấu tranh, bác bỏ.

Không có nhận xét nào: