Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc Phiên đối thoại về Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

 

Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc Phiên đối thoại về Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

Một trong những âm mưu thâm độc và xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động là dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, để lôi kéo, kích động quần chúng đòi tự do, dân chủ, nhân quyền theo tiêu chí phương Tây, tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện mưu đồ thâm hiểm đó, ngày 11/5/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Hơn 300 khuyến nghị cho Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc”, nội dung xuyên tạc Phiên đối thoại về Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; phủ nhận giá trị tự do, dân chủ ở Việt Nam; vu cáo chính quyền “vi phạm” nhân quyền trên nhiều lĩnh vực; “khuyến nghị” Việt Nam “cần tu chỉnh” Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 về “độc quyền” lãnh đạo của Đảng. Đây thực chất là những luận điệu xuyên tạc sai trái cần lên án và bác bỏ, bởi vì:

1. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới vào năm 1948 và là thành viên sáng lập của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2006. Trong cuộc bầu cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kì 2023-2025, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ, thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người. Việt Nam tham gia và thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đặc biệt là việc tham gia Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ IV, diễn ra đúng ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024), chính tại Giơ-ne-vơ là nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Chính vì vậy, thông điệp đầu tiên của Việt Nam là, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người. Thông điệp lớn thứ hai Việt Nam chia sẻ là, trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, không có một mô hình đúng duy nhất. Mỗi quốc gia tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mình sẽ có thể lựa chọn con đường riêng. Chúng ta khẳng định tính đúng đắn của con đường Việt Nam đã lựa chọn và chúng ta sẽ kiên định đi trên con đường đó. Thông điệp lớn thứ ba là, với chủ trương nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR mà chúng ta đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt, trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và bảo đảm các quyền con người trên thực tế, mang lại những kết quả rất thiết thực cho người dân. Thông điệp thứ tư là mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức trong đại dịch COVID-19 nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành, đồng lòng của người dân, chúng ta đã vượt qua được khó khăn đó, đã bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống của người dân, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là chính danh, hợp hiến và hợp pháp, không có sự độc tôn chính trị. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều có một điều quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”. Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ và đồng thuận của các tổ chức có liên quan, không phải do Cương lĩnh, Điều lệ Đảng “đơn phương” quy định. Thực tiễn đã chứng minh, không phải ngay từ khi mới thành lập mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được sự thừa nhận của toàn dân. Phải bằng đường lối cách mạng đúng đắn, sự tận tụy, trung thành, hy sinh anh dũng của các thế hệ đảng viên cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam mới được dân tin, dân yêu, trao cho trọng trách cao cả lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Việc điều 4 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014 quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, không phải là sự áp đặt mà là ý nguyện của toàn dân. Vì vậy cần phải vạch rõ, núp dưới chiêu bài dân chủ, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị phê phán sự độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực ra là muốn tạo dựng lực lượng đối lập, hợp pháp hóa vai trò của tổ chức chính trị phản động để tiến tới xóa bỏ, thủ tiêu quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

3. Quyền dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong mọi hoạt động của đời sống xã hội được bảo đảm và thực thi trong thực tế. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: Trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội do nhân dân trực tiếp bầu ra là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra chính phủ để điều hành mọi công việc của đất nước. Nhân dân có quyền tham gia vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng. Đảng ta tự đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân, cơ quan đại diện của nhân dân và sự giám sát của công luận. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều xác định sự giám sát của nhân dân, của công luận đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Trong khi phấn đấu để nhân dân thực sự có quyền làm chủ, chúng ta không chấp nhận cái gọi là “dân chủ đa nguyên”, dân chủ với các thế lực thù địch chống lại nhân dân. Không thể có tình trạng các cá nhân và tổ chức chống đối, phản động có hành vi chống Đảng, Nhà nước, vi phạm lợi ich quốc gia, dân tộc lại đòi hỏi được hưởng quyền dân chủ như mọi người dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, dân chủ muốn được thực thi nhất thiết phải có pháp luật bảo vệ, bảo đảm. Pháp luật chính là công cụ quản lý xã hội và thực thi quyền dân chủ của người dân. Pháp luật không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng quyền dân chủ để làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc, vi phạm luật pháp và quyền dân chủ của người khác. Trên thế giới không có quốc gia nào, kể cả những nước tự cho mình là có tự do dân chủ nhất lại dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, chống lại lợi ích quốc gia, dân tộc và chống lại nhà nước.

Như vậy chúng ta có thể thấy, mưu đồ thâm hiểm của các thế lực thù địch là từng bước tách Đảng khỏi tầng lớp nhân dân, tạo sự đối lập giữa Đảng với dân, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Tạo dựng lực lượng chống đối, hình thành các tổ chức chính trị đối lập, kích động chia rẽ, ly khai, với “yêu sách” đòi quyền con người, quyền tự do, dân chủ vô chính phủ, chống lại nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện chế độ đa đảng và các tổ chức chính trị đối lập. Do đó, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác./.

Không có nhận xét nào: