Không thể xuyên tạc, phủ nhận thành tựu nhân quyền của Việt Nam
Ngày 22/4/2024, như thường lệ, Mỹ tiếp tục lặp lại “điệp khúc nhân quyền” về Việt Nam trong một báo cáo dài 59 trang, được chia thành 7 phần, đánh giá tình hình nhân quyền năm 2023. Nhân sự kiện này, đài VOA đã tán phát bài viết “Ngoại giao Mỹ: Việt Nam đàn áp nhân quyền xuyên quốc gia” trên trang mạng “Voatiengviet”. Núp bóng đằng sau bản báo cáo với những lập luận theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, VOA đã đưa ra những nhận xét, đánh giá sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc về việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy:
1. Đó vẫn là điệp khúc đánh giá sai lệch về nhân quyền ở Việt Nam
Mở đầu bài viết, đài VOA đã viện dẫn bản báo cáo nhân quyền 2023 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22 tháng 4 năm 2024. Trong bản báo cáo mới được đưa ra, một lần nữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại thể hiện cái nhìn phiến diện, sai lệch khi cho rằng: “Không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”. Khi so sánh với báo cáo năm 2022, có thể thấy điểm khác đáng kể nhất với báo cáo năm 2023 là những cái tên, những con số, những vụ việc được lấy ra làm “minh chứng” cho luận điểm cũ rích, rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền cho phù hợp với thời cuộc. Họ nhắc đến những cái tên như Đường Anh Thái, Lê Anh Hùng và khoác lên mình những người này danh nghĩa “nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” để từ đó quy kết việc bắt, xử lý là tuỳ tiện, xét xử không công bằng, là “đàn áp xuyên quốc gia”. Đây rõ ràng là một sự đánh giá sai lệch về bản chất, thể hiện rõ sự định kiến, thiên lệch khi vẽ lên một bức tranh xám xịt, tràn ngập những gam màu tiêu cực. Thực tế, đây đều là những đối tượng chống đối, lợi dụng vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá đất nước, xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Việt Nam. Những đối tượng nêu trên được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây chỉ là một trong vô số các điệp khúc mà các báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam “xào xáo” lại sau mỗi năm.
Để đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách khách quan, trung thực, đúng đắn cần phải dựa trên các thông tin và dữ liệu có nguồn gốc đáng tin cậy. Ngoài ra, để đánh giá khách quan, cần phải đưa ra những tiêu chí rõ ràng, minh bạch và được công nhận chính thức, những thông tin trong báo cáo cần được thẩm định và đưa ra đánh giá trước khi công bố. Do đó, nghiên cứu Báo cáo nhân quyền thường niên 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy, những thông tin trong Báo cáo đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm, định kiến cá nhân, từ đó đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam. Thiết nghĩ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách nhìn đầy đủ, khách quan hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tránh những định kiến, nhất là trong xu thế Việt Nam – Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác toàn diện, vì lợi ích nhân dân hai nước.
2. Không thể phủ nhận những bước tiến về quyền con người của Việt Nam
Sự thật có đúng như báo cáo đánh giá không? Phải chăng Việt Nam “không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong những năm qua?” Câu trả lời là không. Sự thật không như nhận định của họ.
Có thể khẳng định, báo cáo nhân quyền mới nhất của Mỹ đang trở nên lạc lõng, xa rời thực tế. Bởi những nỗ lực không thể phủ nhận trong bước tiến về quyền con người của Việt Nam đã được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, do Bộ Ngoại giao công bố mới đây, nhiều con số “biết nói” đầy sức thuyết phục đã phản ánh đầy đủ bức tranh tươi sắc trong công tác bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Cũng từ năm 2009 đến nay, GDP tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn với y tế cơ sở; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 92,81 % vào năm 2023. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Hiện, có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Đây là minh chứng cho thấy, các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nhiều con số đầy thuyết phục khác về sức khỏe người dân được cải thiện, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập; tuổi thọ trung bình tăng và cao hơn trung bình thế giới. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc công bố ngày 20/3/2024, Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2023. Đây chính là cơ sở vững chắc giúp Việt Nam trúng cử vào các cơ quan, định chế về đảm bảo quyền con người của Liên hợp quốc, trong đó có vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy được tình hình nhân quyền tại Việt Nam không hề xấu như những gì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá và lẽ ra, những thông số tích cực đó cần được đưa vào báo cáo nhân quyền.
Có thể khẳng định rằng, những nhận định về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong báo cáo này là không khách quan, không đúng thực tế, chỉ là “điệp khúc” xuyên tạc, không đáng tin cậy, cần kịch liệt lên án và đấu tranh bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét