Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Những yêu cầu đặt ra với việc thực hiện quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam

 

Những yêu cầu đặt ra với việc thực hiện quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam

 

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vai trò lãnh đạo của Đảng

Liên quan đến Điều 4 Hiến pháp năm 2013, có hai yêu cầu hoàn thiện pháp luật đặt ra:

Một là, cần tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội. Để thực hiện được hành lang pháp lý này rõ hơn nên chăng cần cân nhắc đến xây dựng một luật về sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo tính chính đáng và hợp pháp của Đảng cầm quyền, khắc phục nguy cơ Đảng đứng trên pháp luật, lạm dụng quyền lực và không bị kiểm soát, dẫn đến khả năng xâm hại quyền lực nhân dân từ phía Đảng cầm quyền.

Hai là, cần tạo lập hành lang pháp lý để Nhân dân giám sát hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chính là về việc hoàn thiện và thực hiện pháp luật về dân chủ và các quyền tự do của công dân. Điều này cần được thực hiện thông qua việc xây dựng, ban hành và thực hiện một số luật mới quan trọng như: Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật về giám sát của nhân dân; Luật về phản biện xã hội(13), đồng thời hoàn thiện một số luật hiện hành như Luật Bầu cử, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...

Thứ hai, cần tiếp tục đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước

Để đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cần đặt trọng tâm vào những vấn đề sau:

- Nhận thức rõ thực chất mối quan hệ Đảng và Nhà nước trên hai phương diện: (1) Về nội dung, đó là mối quan hệ vừa bình đẳng trong tư cách hai thực thể thực thi quyền lực nhân dân, vừa chi phối và phối hợp giữa hai thực thể lãnh đạo và điều hành, quản lý; (2) Về tổ chức, đó là hợp thể của ba mô hình quan hệ chủ đạo gồm: mô hình quan hệ Đảng - Cơ quan đại diện và quyền lực Nhà nước cao nhất; mô hình quan hệ Đảng - Cơ quan quản lý hành pháp - hành chính cao nhất; mô hình quan hệ Đảng - Cơ quan tư pháp.

- Phân định mạch lạc thẩm quyền lãnh đạo của Đảng và thẩm quyền quản lý của Nhà nước trên các phương diện: Quyền thực hiện chức năng chính trị của Đảng và quyền thực hiện chức năng lập pháp của nhà nước; Quyền lãnh đạo và quyền quản lý; Quyền ra quyết sách chiến lược và quyền ra quyết sách chiến thuật; Quyền tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Riêng trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, nguyên lý của chế độ pháp quyền đòi hỏi xét xử là quyền độc lập của nhà nước, vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tư pháp chỉ thể hiện trên phương diện tổ chức, cán bộ chứ không phải bằng việc ra chỉ thị, mệnh lệnh hay can thiệp vào hoạt động xét xử.

- Đổi mới cơ bản, toàn diện phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, trong đó khâu mấu chốt là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội và Chính phủ.

Thứ ba, cần đảm bảo thực thi quyền làm chủ của Nhân dân

Hiện tại, cơ chế Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước ở Việt Nam đã rõ, song  cơ chế Nhân dân ủy quyền cho Đảng cầm quyền còn thiếu cụ thể. Yêu cầu đặt ra là phải tạo được cơ chế cho phép Nhân dân ủy quyền cho Đảng qua bầu cử, nhưng vẫn giữ được sự ổn định của thể chế chính trị nhất nguyên. Việc “nhất thể hóa” các chức danh lãnh đạo đảng và chính quyền ở một số địa phương trong thời gian qua có thể là một gợi ý tốt và cần được phân tích, đánh giá để áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, có thể xây dựng cơ chế để nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh của Đảng trước thềm các kỳ đại hội của Đảng.  

Thứ tư, cần đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng

Tình trạng quan liêu, tham nhũng đã, đang làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để khắc phục, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, khắc phục cho được tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, đi đôi với nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức quyền. Đảng cần thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong nội bộ và với người dân, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên, giám sát việc đảng viên thực hiện nghiêm các quy định của Đảng(15). Qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật sẽ giúp cho Đảng nhận thấy rõ những quy định đã lỗi, những lỗ hổng trong xây dựng và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để Đảng có cơ sở tổng kết, đánh giá lại, và tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách trên cơ sở nâng cao chất lượng, tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc tổ chức thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân đảm bảo thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Không có nhận xét nào: