Thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam bác bỏ mọi xuyên tạc
- Ngày 04/5, trang facebook Chân Trời Mới Media đăng status có nội dung: “Việt Nam được xếp thứ 174/180 nước về tự do báo chí. Chứng tỏ người dân Việt Nam luôn nhận được những thông tin không trung thực”. Vậy thực hư nội dung trên ra sao? Tre Việt sẽ làm rõ.
Trước hết, thông tin cho rằng Việt Nam xếp thứ 174/180 nước về tự do báo chí là không khách quan, không đáng tin cậy. Bởi vì, thông tin này là do tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa công bố nhân ngày Tự do Báo chí thế giới 03/5. Trong khi đó, RSF là tổ chức phi chính phủ, hoạt động dưới sự tài trợ, hà hơi tiếp sức của một số chính phủ các nước phương Tây. Do đó, trong xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường phải tuân theo sự sắp đặt có chủ ý từ các chính phủ quốc gia tài trợ. Bên cạnh đó, những tiêu chí mà RSF sử dụng để đánh giá tự do báo chí của một quốc gia thì thiếu tính bao trùm, không xem xét đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức,... của từng quốc gia riêng biệt. Phần lớn thông tin họ đưa ra không đảm bảo khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực tế nên đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc suy diễn, phóng đại. Đối với Việt Nam, RSF thường chỉ dựa vào những thông tin do một số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị và vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp để xếp loại tự do báo chí nên thông tin luôn không khách quan, phản ảnh không đúng thực tế tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, ban hành và ngày càng hoàn thiện, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho người dân. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trên cơ sở đó, Luật Báo chí năm 2016 đã cụ thể hóa quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tại Điều 10 đã giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: Sáng tạo tác phẩm báo chí; Cung cấp thông tin cho báo chí; Phản hồi thông tin trên báo chí; Tiếp cận thông tin báo chí; Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; In, phát hành báo in. Tại Điều 11 cũng quy định cụ thể quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Còn tại khoản 1, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng đã khẳng định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin”, v.v. Như vậy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của quyền con người, của mọi công dân luôn được Nhà nước Việt Nam bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và luật pháp, thông lệ quốc tế.
Thứ ba, thực tiễn hoạt động báo chí và đời sống xã hội là bức tranh sinh động về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có khoảng hơn 41.000 người đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gần 780 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh - truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình, tập trung thông tin, tuyên truyền, phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng, Nhà nước, đời sống xã hội. Có gần 40 hãng truyền thông quốc tế lớn có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga),... được hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 68,7% dân số sử dụng. Thông qua các trang mạng xã hội: Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram..., người dân Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, video clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, người dân được đóng góp, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tham gia giám sát, phản biện xã hội thông qua hệ thống cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, v.v.
Thứ tư, cần khẳng định rõ: ở Việt Nam không có bất kỳ công dân nào bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tung tin giả, thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu cáo hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận,... thì rõ ràng đây là những hành động vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật là tất yếu. Việc này không chỉ riêng Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào cũng làm thế.
Như vậy, nội dung trang facebook Chân Trời Mới Media đăng tải và việc xếp hạng thông tin tự do báo chí mà RSF công bố là phi lý, không khách quan, không đáng tin cậy, xuyên tạc tình hình thực tế tại Việt Nam cần đấu tranh, lên án./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét