Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm
Trong thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội liên tục đăng tải những thông tin xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Bài viết “Chính quyền gia tăng đàn áp giới hoạt động về quyền của người Khmer Krom” đăng trên trang “rfatiengviet” là một trong số đó.
Bài viết xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; vu cáo chính quyền “đàn áp và sách nhiễu những người hoạt động vì quyền của người Khmer Krom”; đồng thời, tuyên truyền cái gọi là “dân tộc bản địa” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ. Thực chất của những luận điệu trên là xuyên tạc, lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở nước ta nói chung, Nam Bộ nói riêng. Thực tế đã bác bỏ những luận điệu trên.
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tiễn, đặc biệt là trong thực tiễn. Các tôn giáo ở nước ta luôn có đường hướng hành đạo cũng như các quy định cho các tín đồ tuân theo pháp luật, thực hiện tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người là quan điểm, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 xác định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”. Tuy nhiên, việc bày tỏ niềm tin tôn giáo cũng như sinh hoạt, hoạt động tôn giáo không được trái với quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo. Tại Điều 5 của Luật này cũng chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm: “phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật và đường hướng hành đạo đã xác định. Trong thời kỳ đổi mới, các tổ chức tôn giáo có những biến đổi theo hướng đồng hành cùng dân tộc, tăng nhanh về số lượng tín đồ, các công việc nội bộ được tôn trọng, các hoạt động in ấn, xuất bản được mở rộng. Đi đôi với bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, Đảng, Nhà nước ta cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như: trục lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân (trong đó có đồng bào theo đạo). Đây là đối tượng mà các thế lực thù địch, phản động cho là những người “đấu tranh” vì dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, vu khống Đảng, Nhà nước ta phân biệt, đối xử, luôn “đàn áp và sách nhiễu”.
Dư luận đều biết rõ về những vụ việc, tổ chức và cá nhân này. Họ thường có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, câu kết chặt chẽ với các thế lực phản động ở nước ngoài phát tán các tài liệu phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng. Xét ở khía cạnh này cho thấy, họ đã không làm gì cho đất nước, làm cho người dân được bình an, hạnh phúc mà chỉ làm những việc trái với luân thường đạo lý, truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại sức khỏe, sự nghiệp, tiền tài của biết bao gia đình. Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam, công dân phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, không “ích nước, lợi dân” đều bị xử lý theo pháp luật. Các cá nhân, tổ chức trên bị xử lý vì vi phạm pháp luật chứ không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào.
Như vậy, bài viết “Chính quyền gia tăng đàn áp giới hoạt động về quyền của người Khmer Krom” là hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng, đổi trắng thay đen một cách trắng trợn giữa chức sắc, tín đồ “tốt đời, đẹp đạo” với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng, vừa phá đạo vừa hại đời. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác vạch trần và đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét