Bác bỏ luận điệu phản động xuyên tạc về nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thời gian qua, trên Đài Á châu tự do (RFA) đăng tải bài viết “Ông Tô Lâm hô khẩu hiệu “xây dựng một nền tư pháp xã hội chủ nghĩa hiện đại, chuyên nghiệp”. Xuyên suốt bài viết là những luận điệu xuyên tạc, phản động về tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cho rằng: xây dựng nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp… không để bỏ lọt tội phạm và người phạm tội… là những lời lẽ hô hào khẩu hiệu, không hề thực tế. Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái vì:
Một là, nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dựa trên những giá trị phổ quát của thế giới .
Mỗi quốc gia, dân tộc tuy có những đặc điểm khác nhau vể thể chế chính trị, hệ thống pháp luật và tổ chức cơ quan tư pháp, song đều phải hướng đến những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại, tôn trọng và bảo đảm các quyền của con người được sống trong môi trường hoà bình. Đối với Việt Nam, nền tư pháp được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng lãnh đạo và không can thiệp vào hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp. Mọi hoạt động của cơ quan tư pháp đều theo đúng đường lối chính trị, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững bản chất tốt đẹp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, duy trì và bảo vệ nền tư pháp xã hội chủ nghĩa vì sự công bằng, dân chủ và nghiêm minh trong tổ chức thi hành pháp luật. Nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được vận hành trên nền tảng là Hiến pháp và pháp luật; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bộ phận trong hệ thống tư pháp, bảo đảm mọi công việc của Đảng, Nhà nước và xã hội diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó toà án nhân dân các cấp là trung tâm của hệ thống cơ quan tư pháp, giải quyết các xung đột xã hội, bảo đảm nền tư pháp được thực thi một cách dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Hai là, nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đều vì dân, vì nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành Tư pháp, đặc biệt là toà án nhân dân các cấp đã không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp nắm chắc pháp luật, tôn trọng, lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhân dân để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thực thi pháp luật hiệu quả, phù hợp. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng, không có ngoại lệ, bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, những tổ chức, cá nhân có hành động, việc làm đi ngược với đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là với tội phạm xã hội, tham nhũng, tiêu cực đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Thời gian qua, nhiều tội phạm xã hội nguy hiểm, vụ án tham nhũng, tiêu cực về các lĩnh vực, ngành nghề gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đã bị cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh và công khai, minh bạch trước xã hội. Báo cáo tóm tắt về hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và ngành toà án nhân dân các cấp nói riêng, ngày 14/6/2024 cho thấy: tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,82%; tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo các tòa án tổ chức xét xử nghiêm minh, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật…
Bản chất tốt đẹp của nền tư pháp pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì nhân dân vẫn là dòng chảy chủ đạo của nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, pháp quyền, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào công cuộc đổi mới, cải cách nền tư pháp vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét