BÁC BỎ NHỮNG NHẬN ĐỊNH THIẾU KHÁCH QUAN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Lợi dụng vấn đề tôn giáo gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước là một trong những phương thức, thủ đoạn mà các thế lực thù địch đang đẩy mạnh ở nước ta. Mới đây, trên trang “thongluan-rdp”, Phạm Trần viết bài: “Tự do theo định hướng thì đâu phải là tự do!”, lợi dụng nội dung trong báo cáo tháng 5/2024, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa kỳ, Y cho rằng: “Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2023 “không có gì thay đổi” so với năm 2022 trong khi chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được chính phủ công nhận”. Đây là nhận định thiếu khách quan, không đúng sự thật về thực tế tự do tôn giáo ở Việt Nam, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Vấn đề này cần được nhận diện rõ:
Thứ nhất, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa kỳ (USCIRF) là một cơ quan tham vấn độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập, là cánh tay nối dài của Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích nhằm phục vụ cho việc “cải thiện nhân quyền” ở các nước mà Mỹ cho là cần quan tâm đặc biệt. Các thông tin USCIRF sử dụng trong báo cáo không có nguồn gốc chính thống mà chủ yếu dựa trên những thông tin sai sự thật, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng thù hận, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam như: “Ủy ban Cứu người vượt biển – BPSOS”, tổ chức “Người Thượng đứng lên vì công lý – MSFJ”…
Trong những năm qua, các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao, nhất là, tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 07/5/2024 được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, các báo cáo hằng năm, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt-CPC”; trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 (tháng 5/2024) của USCIRF vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vấn đề này đã được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, ngày 09/5/2024, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi của phóng viên, khẳng định rằng: Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng, có chính sách nhất quán và nỗ lực đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, coi đó là một mục tiêu quan trọng đi cùng với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; “Sách trắng tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”… nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác về chính sách và thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu hợp tác quốc tế. Hiện nay, ước tính có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức; tính đến tháng 12/2023, Nhà nước ta đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tình hình tôn giáo ổn định, đa số các chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Do vậy, Phạm trần và USCIRF cần phải tôn trọng sự thật, đánh giá khách quan về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tôn trọng pháp luật Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét