Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU ĐEN TỐI CỦA HOÀI NGUYỄN

 

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU ĐEN TỐI CỦA HOÀI NGUYỄN

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 – 2026) chưa thông qua dự thảo Luật Biểu tình và Luật Về hội. Lợi dụng vấn đề này, ngày 24/6/2024 trên trang “Vietnamthoibao” đăng bài viết với tựa đề “Bao giờ tái khởi động dự luật về quyền lập hội?” của tác giả Hoài Nguyễn. Bài viết đã đưa ra một số nhận định nhằm kích động, lôi kéo các phần tử cơ hội, phản động tiếp tục đấu tranh làm mất ổn định chính trị – xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi Đảng, Nhà nước Việt Nam sửa đổi Điều 25, Hiến pháp năm 2013, cụ thể:

  1. “Bình đẳng hội, đoàn là điều bất khả thi với Hà Nội”.

Đây là nhận định, đánh giá vô căn cứ, phản ánh sai sự thật về hoạt động của các hội, đoàn ở Việt Nam.

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền hội họp, lập hội theo quy định của pháp luật. Ở nước ta, có nhiều tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức đó đều có thể là thành viên của hệ thống chính trị, mà chỉ có những tổ chức chính trị – xã hội lớn, có ảnh hưởng sâu rộng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam mới là các bộ phận hợp thành hệ thống chính trị.

Hiện nay, hoạt động của các hội, đoàn ở Việt Nam phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động khác nhau và đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện vai trò là cầu nối giữa các hội viên với cơ quan chính quyền, qua đó phản ánh nguyện vọng của hội viên, hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại, cung cấp thông tin tư vấn về sản xuất và thị trường… Hoạt động của các hội, đoàn cơ bản tập trung vào các lĩnh vực xã hội, nhân đạo, từ thiện, đặc biệt là cung ứng dịch vụ trong một số lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường… Các hội, đoàn tham gia tích cực vào đời sống xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách, triển khai các chính sách phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người.

Chỉ tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng số 93.438 hội trong đó gồm 571 hội hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương. Cả nước có 125.342 công đoàn cơ sở, tổng số 10.579.045 đoàn viên công đoàn, tỷ lệ đoàn viên trên công nhân lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là 87%. Các hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

  1. Tu chỉnh “một luật cho tất cả”.

Đây là nhận định hòng kích động, lôi kéo phần tử cơ hội, phản động đấu tranh đòi Đảng, Nhà nước ta sửa đổi Điều 25, Hiến pháp năm 2013.

 Như chúng ta đã biết, Hiến pháp là đạo luật gốc do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nguyên tắc hiến định này đã được cụ thể hóa và đảm bảo thực hiện bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ)…

Như vậy, công dân Việt Nam đều có quyền lập hội theo quy định của pháp luật, Nhà nước có nghĩa vụ trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền lập hội nói riêng. Cùng với quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, thì quyền tự do lập hội là quyền tự do chính trị cơ bản của công dân, không những được các văn kiện quốc tế mà các bản Hiến pháp nước Việt Nam đều đã ghi nhận. Mỗi cá nhân đều có quyền thể hiện những điều mà mình nghĩ, có quyền liên kết tự do và độc lập giữa người dân với nhau quanh từng vấn đề xã hội, chính trị, tôn giáo…, từ đó hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chính vì thế, việc hình thành các hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một tất yếu khách quan.

Mặc dù dự thảo Luật về hội ở Việt Nam chưa được thông qua, thế nhưng xét tổng thể, Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối đồng bộ để điều chỉnh các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các hội. Khung pháp lý hiện hành đã thừa nhận sự tồn tại của nhiều dạng hội và cho phép các hội ở Việt Nam chủ động thực hiện và tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau tùy thuộc vào loại hình tổ chức. Đây là cơ sở pháp lý để khẳng định Điều 25, Hiến pháp 2013 là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam, đồng thời là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hội ở Việt Nam trong thời gian tới./.

Không có nhận xét nào: