Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Chỉ là “bổn cũ soạn lại” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

 

Chỉ là “bổn cũ soạn lại” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

          - Mới đây, cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), đơn vị chuyên trách về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên hiệp châu Âu (EU) đã công bố báo cáo thường niên về dân chủ và nhân quyền trên thế giới, trong đó có nội dung về việc thực thi quyền con người ở Việt Nam. Trong báo cáo này, họ tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam, khi quy chụp: trong năm 2023, Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền”.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng
 trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Cần khẳng định ngay rằng, những cáo buộc nói trên của EU phản ánh những định kiến lâu nay của tổ chức này đối với Việt Nam đều chỉ căn cứ vào những thông tin sai trái, cũ rích, chưa được kiểm chứng và không đúng sự thật. Phản bác những cáo buộc nói trên, ngày 25/01/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của EU mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam. Đồng thời khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, coi con người là trung tâm và động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực nâng cao đời sống và quyền thụ hưởng của người dân. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao.

Như chúng ta đều đã biết, năm 2023, là năm kinh tế thế giới có nhiều khó khăn do tác động của những biến động địa chính trị và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn là một điểm sáng trước những cơn gió ngược. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 5,05% (gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới). Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2023 đạt 4.284 USD (tăng 160 USD so với năm 2022). Nhờ đó, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 giảm 1,1% so với năm 2022, còn 2,93%, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2023 đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỉ đồng/năm; Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội được đẩy mạnh, đến hết tháng 9/2023 đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn. Các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách cũng được tổ chức triển khai có hiệu quả. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2021 đạt 0,703 điểm, đến năm 2023 đạt 0,726 điểm, thuộc nhóm nước có trình độ phát triển con người cao. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 (theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc) tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Cùng với đó, các quyền tự do ngôn luận, tự do internet và tự do tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước ta bảo đảm trên thực tế. Năm 2023, cả nước có 06 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó, có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Số người dùng internet ở Việt Nam năm 2023 lên tới 77 triệu người, chiếm 79,1% dân số (năm 2022 là 73,2%). Mạng xã hội cũng trở thành nền tảng quan trọng với hơn 70 triệu người tham gia (tương đương 71% dân số). Với các con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á, là một minh chứng cụ thể cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm.

Về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hiện nay ở Việt Nam có đến 95% người dân có đời sống tín ngưỡng. Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 02 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam) và chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Tính đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Trong năm 2023, có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.

Những kết quả đạt được trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói trên chính là minh chứng khẳng định: những nhận định về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong Báo cáo này của EU chỉ là “Bổn cũ soạn lại”, đây là sự lặp lại những thông tin sai trái, cũ mòn, mang tính quy chụp, không khách quan và không đúng thực tế. Vì vậy, cần kịch liệt lên án và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: