Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

LUẬN ĐIỆU PHẢN ĐỘNG CỦA PHẠM TRẦN

 

LUẬN ĐIỆU PHẢN ĐỘNG CỦA PHẠM TRẦN

Với tựa đề: “Làm gì có tự do ở Việt Nam” đăng trên trang mạng “Quyenduocbiet”, Phạm Trần đã đưa ra những luận điệu hết sức sai trái, phản ánh sai sự thật trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Phạm Trần rêu rao rằng: chính quyền Việt Nam “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”. Đây là một luận điệu hết sức phản động hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho thấy dã tâm quyết chống phá Đảng, Nhà nước ta của Phạm Trần. Song, luận điệu của y đã bị thực tiễn sống động ở Việt Nam hiện nay bác bỏ. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với gần 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, nên Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Ở Việt Nam “các tôn giáo có điều kiện phát triển vượt bậc. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo, 17 triệu tín đồ, với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc; thì đến năm 2021, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự”[1].

Bên cạnh đó, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân cũng được bảo đảm, chỉ tính riêng năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in; trong đó có nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc. Đặc biệt, năm 2023, Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”[2] … Đây chính là những hiện thực sinh động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Thứ hai, ở Việt Nam, các tôn giáo tích cực tham gia vào hoạt động xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thông qua công tác tôn giáo đã vận động cá nhân, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào các cuộc vận động thi đua yêu nước ở địa phương, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp góp phần giảm tải gánh nặng cho đất nước. Về giáo dục, hiện nay, cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương; 12 cơ sở dạy nghề do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Về y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cả nước có khoảng trên 500 cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau như Tuệ Tĩnh Đường, trạm xá, phòng thuốc nam, phòng khám đa khoa, phòng khám đông y và tây y… mỗi năm đã khám và chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn. Về công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, cả nước có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội, đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, góp phần đáng kể vào công tác đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương[3]. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, thành viên của các tổ chức chính trị – xã hội, qua đó phát huy vai trò của khối tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào có đạo, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động tôn giáo để chia rẽ dân tộc, tôn giáo của các thế lực xấu.

Như vậy, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho mọi người dân là chính sách nhất quán, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thực tiễn bằng ý chí và quyết tâm cao.

Vì vậy, luận điệu của Phạm Trần đưa ra là hoàn toàn sai trái hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, giảm sút niềm tin của chức sắc tôn giáo và tín đồ quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước ta. Hành động này thể hiện sự chống phá Đảng, Nhà nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta của Y. Chúng ta cần phải lên án, kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: