Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Những kẻ rước lửa họa đốt bàn thờ tổ tiên ngày Tết

 

Ngày 30 Tết, ai cũng hướng về tổ tiên, quê hương, đất nước, đón chào một năm mới với biết bao khát vọng cầu cho quốc thái dân an, cho nước nhà sánh vai với các cường quốc. Nhưng thật đáng buồn là vẫn còn có những kẻ mải mê rước lửa họa đốt bàn thờ tổ tiên. Đáng lưu ý là Nguyễn Văn Đài có tiết mục tất niên “Phản biện lại Nguyễn Phú Trọng về qui hoạch chóp bu”, bên cạnh đó còn có VOA với hội luận bàn tròn giới thiệu món mới “Giáp tết TBT Trọng muốn đổi mới Trung ương, Chủ tịch Thưởng muốn kiều bào đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước”, có sự tham gia của các nhân vật Nguyễn Văn Đài, Võ Thị Hảo, Đặng Đình Mạnh, Lê Quốc Quân.

Tôi chỉ là người trồng dưa hấu ở đất mũi Cà Mau, ngày Tết bán được trái dưa hấu vỏ xanh mà lòng đỏ, làm món quà trời đất có chứa cả mồ hôi của người dân nước Việt, góp phần làm đẹp bàn thờ Tổ tiên; nhân lúc nông nhàn nổi máu lướt mạng, bắt gặp nhiều ý kiến phản biện hay về tình hình đất nước, nhưng không may vớ phải hai hột sạn bự do những kẻ ham đốt bàn thờ tổ tiên trộn vô mâm cơm tất niên. Phản xạ theo phong cách Lục Vân Tiên, tôi muốn cầm cái chổi quét vô mồm mấy kẻ tào lao, xiên xẹo nói xấu chế độ.

Nói về việc bác Tổng muốn đổi mới qui hoạch Trung ương nhiệm kỳ Đại hội XIV, đây là việc rất quan trọng của Đảng, trước hết thuộc về trách nhiệm người đứng đầu Đảng ta. Bác Trọng là người rất được lòng dân, không phải vì lời hay, ý đẹp để lấy lòng dân, mà là dân quan sát được việc làm vì nước, vì dân, vì Đảng của bác Tổng. Cho dù tuổi cao, sức yếu, nhưng còn đủ trí tuệ minh mẫn, đủ nhiệt huyết lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nên người dân vẫn rất tín nhiệm, mong bác Tổng tiếp tục gánh vác công việc của giang sơn này. Tất nhiên, bên cạnh bác Tổng còn có Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, còn có hơn 5 triệu đảng viên, có gần trăm triệu dân đồng lòng ủng hộ. Đó là sức mạnh nội sinh dân tộc. Đảng là người cầm lái đất nước trải qua 94 năm đấu tranh cách mạng kiên gan, bền chí, đưa đất nước từ bóng tối u mê, điêu tàn ra ánh dương bừng sáng tương lai. Người dân Cà Mau chúng tôi một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, dù ở đầu cực Nam của Tổ quốc, nhưng đây chính là nơi xuất phát đưa những người con miền Nam tập kết ra Bắc, mang theo cây vú sữa tặng Bác Hồ, được Bác Hồ vun trồng bên ngôi nhà sàn của Người. Cà Mau cũng là nơi tập kết những chuyến tàu không số từ Bắc đưa hàng chi viện cho miền Nam. Cà Mau cũng chính là nơi đầu tiên lập bàn thờ Bác Hồ. Bản thân tôi là thế hệ sinh ra sau ngày nước nhà thống nhất, được theo học hết phổ thông, vô đại học nông lâm, rồi về quê làm nghề nông, sau nhiều lần khởi nghiệp cũng không thuận thời, nay trở thành một chủ nông trang trồng dưa hấu. Nhưng không trơ trẻn như mấy kẻ được học hành trường này, trường nọ, được sống ở Tây, ở Mỹ mang tiếng học cao biết rộng mà chẳng bằng mấy người nông dân ở quê. Mang tiếng nhà văn, nhà báo, luật sư sao lại dấn thân vô nghiệp tuyên truyền chống cộng, mượn danh đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền chưa đủ, lại còn lớn tiếng vỗ ngực “ta là người làm cách mạng dân chủ”. Điều sơ đẳng nhất là ai cũng có quê hương, bản quán, có những cảnh ngộ khác nhau, nên nghề kiếm kế mưu sinh hay nơi cư trú cũng chẳng giống nhau, song người ta hầu như ai cũng chạnh lòng nhớ về cố quốc, tâm niệm những điều tốt lành cho người thân, cho quê hương, đất nước. Đằng này mấy người lại giở thói bôi nhọ Tổ quốc. Việc của Đảng ta là phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, muốn vậy thì trước tiên phải qui hoạch và lựa chọn những người tinh tú của Đảng vào Ban Chấp hành Trung ương. Đảng coi đây là khâu then chốt của then chốt, là lẫy nỏ thần kim qui trong xây thành lũy bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước trước mọi khó khăn, thách thức. Giữ cho Đảng trường tồn, cho dân tộc cường thịnh là phải chọn được đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng, những người sẽ giữ trọng trách trong các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các lĩnh vực mấu chốt của hệ thống chính trị. Mỗi người vào Ban Chấp hành Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội XIV sẽ là những nhân tố làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là đầu tàu cho đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cống hiến cho sự nghiệp chung. Còn những cá nhân, tổ chức vi phạm khuyết điểm, trót để tay nhúng chàm thì đương nhiên phải đứng sang một bên. Luận điệu của mấy người cho là phe này, cánh kia “tranh giành quyền lực chóp bu” cũng chỉ là trò tung hỏa mù, hòng hạ thấp uy tín của Đảng. Nguyên tắc tối cao trong công tác tổ chức, cán bộ của Đảng là lựa chọn theo qui trình chặt chẽ, dân chủ, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. Các đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp được quán triệt sâu sắc về ý thức, trách nhiệm của mình, nên họ bỏ lá phiếu bầu cử tại đại hội dựa trên cơ sở tích lũy sự tín nhiệm đa chiều trong cơ quan, xã hội, chứ đâu phải dựa vào cảm tính hoặc mang đầu óc cục bộ địa phương. Những biểu hiện bản vị, cục bộ, “hậu duệ, tiền tệ”đâu phải là thay thế được trí tuệ và nhiệt huyết cách mạng. Vừa qua, có một số cá nhân, tổ chức bị đưa vào lò, cũng là vì họ bị thoái hóa, biến chất do thiếu bản lĩnh tự quét sạch chủ nghĩa cá nhân, lại do cấp ủy nơi đó cả nể, nên khi ăn năn trước vành móng ngựa thì đã muộn. Để tránh điều đau lòng như thế, chắc chắn bác Tổng đã rất đau đầu. Trước đây, Cụ Hồ đã thức trắng đêm để quyết định xử trảm một đại tá quân đội tham nhũng, nay có nhiều tướng tá, nhiều lãnh đạo cấp cao bị làm củi đốt lò tham nhũng, lẽ nào không đau xót. Nhưng như bác Tổng nói, chặt cành sâu để cứu thân và gốc cây, hạ một đám cây chết để cứu cả rừng thì cần thiết nên làm. Nhiệm kỳ tới, chắc chắn phải thắt chặt hơn nữa khâu qui hoạch, khâu bổ nhiệm, đặc biệt là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với cán bộ. Một số qui định của Đảng gần đây, cũng như luật pháp sửa đổi cũng sẽ có tác dụng hỗ trợ vào việc phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, buộc cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng.

Còn việc Chủ Tịch nước Võ Văn Thưởng có những lời kêu gọi kiều bào ta ở nước ngoài (nhân dịp dự Chương trình Xuân quê hương trước Tết, cùng như trong Lời Chúc Tết lúc giao thừa) đều hàm chứa thông điệp coi người Việt xa xứ là một phần máu thịt của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là con cháu Tiên Rồng. Nước ta có khoảng 6 triệu người là kiều bào, ngoại trừ những kẻ cam tâm bán nước, hại dân, vô lương chuyên nói xấu quê hương, đất nước, còn lại họ đã và đang có mặt tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, dưới nhiều vai trò khác nhau, song hết thảy đều là sứ giả của hòa bình, thân thiện, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng cho nước sở tại. Họ phát huy trí tuệ để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Họ đem sự cần mẫn để sinh kế như con ong miệt mài kiếm mật ngọt cho đời. Trong số đó, cũng có những thế hệ dù còn nặng nề mặc cảm quá khứ, song tự đáy lòng chắc hẳn vẫn không nỡ quay mặt, đá chân vào bàn thờ Tổ quốc. Sự đi lên của đất nước Việt Nam từ ngày có Đảng lãnh đạo đều có một phần đáng trân quí của kiều bào ta. Thời đại Hồ Chí Minh rạng danh lịch sử có một phần đóng góp của những con người đang ở đỉnh cao khoa học, đang sống ở trời Tây có nhiều lợi ích, thế mà họ sẵn sàng rời xa chốn phồn hoa, trở về cố hương, theo Đảng, theo Bác Hồ, phụng sự Tổ quốc. Nay kiều bào ta đều hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, họ luôn được tạo điều kiện tốt nhất có thể để nghiên cứu, sáng tạo, học tập, lao động, kinh doanh. Họ chính là cầu nối giữa Việt Nam với quốc tế. Doanh nhân nước ngoài còn tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, doanh nhân Việt Nam cũng tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, vì thế người Việt Nam ở nước ngoài chắc chắn không tự mình xẻ núi, ngăn sông trở về cố quốc. Kiều hối của họ cũng là huyết mạch tài chính, tham gia làm giàu vốn quốc nội cho phát triển kinh tế-xã hội. Tết đoàn viên, xuân quê hương là nét đẹp truyền thống về nguồn của dân tộc Việt Nam, cùng với dịp trở về vào ngày Giỗ Tổ, người Việt xa xứ càng chứng minh cho thế giới biết rằng, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, người Việt vẫn giữ mạch nguồn văn hóa, truyền thống quê hương, đất nước. Vậy thì đừng ai chia lìa, và cũng chớ có mong chia lìa được mạch nguồn đó, vì nó đã thấm đẫm trong văn hóa tín ngưỡng, tâm linh người Việt từ muôn đời.

Tết đến, xuân về, người ta nói với nhau những lời hay, giàu triết lý, sâu nặng nghĩa tình, chứ sao như mấy người trên mạng lại lên loa nói xấu chế độ chính trị, xúc phạm tới bậc trưởng lão, tới người đứng đầu của đảng cầm quyền, tới người đại diện cho quốc gia, dân tộc. Đích thị là kẻ vong bản rồi. Thà làm người trông dưa hấu như tôi, còn có ích cho đời, giống như Mai An Tiêm nơi đảo hoang vẫn tự mình bươn chải kiếm sống, vẫn đau đáu trở về chốn xưa. Giấy rách hãy giữ lấy lề, mấy người nhớ lời người xưa mà tu tâm nhé./.

Không có nhận xét nào: